Có những sự lựa chọn không bắt đầu từ những phép tính đơn thuần về cơ hội mà bắt đầu bằng niềm đam mê. Với tôi, đam mê ấy từ những câu chuyện dành cho vùng đất Đà Lạt, Lâm Đồng.
Với những người cầm bút xưa nay, ai cũng có trong mình máu mê dịch chuyển. Sự chuyển dịch ấy đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của xã hội hiện đại. Đối với người làm báo, đi là tác nghiệp. Bản thân tôi là phóng viên thường trú tại Lâm Đồng, cũng thường xuyên lăn lộn khắp nẻo đường vùng Nam Tây Nguyên để viết lên trang báo những dòng tin thời sự; phác họa dấu ấn về từng câu chuyện văn hóa - kinh tế, xã hội hay những lần băng rừng thực hiện chuyên đề về những cánh rừng thông bị “nhốt”, bị “đầu độc” và đốn hạ.
Có lẽ sự nhạy bén của nghề đã cho người làm báo được thể hiện cái cá tính, độc lập và sự sáng tạo trong từng tác phẩm. Nhưng nếu như trước đây, báo chí chỉ thể hiện ở góc độ viết tin bài trên báo giấy thì hiện nay, với cách tiếp cận đa phương tiện trên các nền tảng, người làm báo đã đưa độc giả đến với nhiều khung hình tự sự, những nét bứt phá nhưng hài hòa trong mỗi thước phim bên cạnh bài viết truyền thống. Tất cả sự tổng hòa ấy, tạo nên những tác phẩm có sức sáng tạo lâu bền. Bản thân tôi cũng không đứng ngoài sự chuyển dịch đó và không ngừng trau dồi kỹ năng truyền tải đến bạn đọc Báo SGGP những thước phim, chùm ảnh, đồ họa đặc sắc.
48 năm trôi qua, thế hệ hôm nay, những người cầm bút như chúng tôi vẫn luôn nhất tâm hướng về những luồng tin thời sự, về những con người, sự việc mang tính thời đại.
48 năm ra đời của Báo SGGP gắn liền với 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là hành trình vô cùng thiêng liêng, ý nghĩa. Là một người trẻ được gắn bó, trưởng thành tại báo ngay từ khi ra trường đến hôm nay, tôi luôn xem đó là sự may mắn, niềm tự hào. 10 năm gắn bó không dài trong hành trình 48 năm qua, càng quá nhỏ bé so với hành trình miệt mài cống hiến của rất nhiều cô chú, anh chị đi trước, nhưng thời gian ấy đủ để tôi hiểu, trân trọng vô cùng truyền thống của tờ báo, truyền thống làm nghề, hết mình phụng sự nhân dân của bao lớp người làm Báo SGGP.
Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, hoạt động tác nghiệp báo chí thuận tiện hơn cho người làm báo, đồng thời tạo ra áp lực gay gắt trong cạnh tranh thông tin, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc tốt hơn. Công nghệ đã và đang thay đổi căn bản phương thức tác nghiệp, do đó các phóng viên - biên tập viên cần thích ứng để phát triển, có tâm thế sẵn sàng tác nghiệp trước các sự kiện. Ở bất cứ thời điểm nào, với các tờ báo, phụng sự bạn đọc là điều quan trọng nhất. Chúng tôi ngoài chuyên môn nghiệp vụ, còn phải hiểu rõ đạo đức làm nghề, hình thành bộ lọc thông tin cá nhân, bản lĩnh thẩm định thông tin, biết sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ hiện đại, phù hợp, phục vụ yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Không nói đâu xa, đơn giản trước mắt là hãy cùng tờ báo nỗ lực có độc giả, giữ được bạn đọc với những bài viết có chiều sâu, chính xác, đáng tin cậy.
Là phóng viên trẻ của Báo SGGP, tôi được cử đến thường trú, tác nghiệp tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Trong 6 năm phụ trách 3 địa bàn, với không gian tác nghiệp rộng lớn, nhiều dạng địa hình miền núi phức tạp, xa xôi, khó khăn lớn nhất của tôi là tác nghiệp vào mùa mưa lũ. Thời điểm “chuỗi” bão, lũ, sạt lở ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định năm 2020, tôi gần như di chuyển suốt 1 tháng bằng nhiều phương tiện, xuyên qua nhiều tỉnh để luôn có mặt ở những điểm nóng…
Để khắc phục khó khăn, tôi thường xuyên phải rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai để bám trụ, sẵn sàng tác nghiệp trong điều kiện khó khăn nhất, dài ngày nhất và tận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để duy trì nguồn tin, mối quan hệ từ cộng tác viên cơ sở.
Báo SGGP bước sang tuổi 48, với chặng đường dài không ngừng hoàn thiện và hướng đến tương lai phía trước, tôi nghĩ khát vọng chung của tập thể là luôn vận động, chuyển động mạnh mẽ để tiếp tục là một tờ báo uy tín, hiện đại, với đội ngũ phóng viên dấn thân, tạo ra sản phẩm báo chí đa phương tiện có chất lượng, chuẩn mực, thời sự, cuốn hút bạn đọc.
Báo SGGP là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, mảng chính trị - xã hội chính là mảng xương sống của báo, đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến với người dân; là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân. Ở cương vị một phóng viên trẻ của Ban Chính trị - Xã hội, áp lực với tôi là không nhỏ.
Có lẽ xúc động nhất là những bài viết nhận được sự phản hồi của bạn đọc, khen có, góp ý có và cả chê trách. Tôi và đồng nghiệp đều trân trọng ý kiến của những bạn đọc luôn yêu thương, quan tâm đến Báo SGGP và thương hiệu của tờ báo. Tôi nhớ những lá thư cảm ơn viết tay từ bạn đọc thân thiết của báo, bày tỏ sự đồng thuận với tác giả và góp ý thêm những góc nhìn khác.
Đó là động lực để phóng viên trẻ tiếp tục nỗ lực và cũng là cách để chúng tôi cải thiện tư duy tiếp cận đề tài.
Môi trường cho người làm báo là rộng lớn nhưng nếu phóng viên, nhất là phóng viên ở mảng chính trị - xã hội, không bản lĩnh, rèn được “tâm sáng, lòng trong” thì sẽ khó bền vững với nghề. Và Báo SGGP đã tạo cho chúng tôi một môi trường công tác, rèn luyện để tự tin tác nghiệp trong làng báo.