Khát vọng công nghiệp số Make in Vietnam

Việt Nam đã có những doanh nghiệp công nghệ đủ khả năng mua lại nhiều công ty công nghệ quốc tế; các doanh nghiệp cũng sản xuất - xuất khẩu các thiết bị công nghệ quan trọng cho hạ tầng mạng 5G, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… để cùng hòa nhập thế giới số.

Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel đã xuất khẩu sang Indonesia
Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel đã xuất khẩu sang Indonesia

AI của người Việt

Trong khi thế giới còn đang sôi sục với “cơn sốt” ChatGPT, thì tại Việt Nam, đầu tháng 12-2023, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Vingroup) công bố PhởGPT, được xem như phiên bản ChatGPT của người Việt, được tạo ra và chuyên dụng cho tiếng Việt. Sự kiện này tạo sự thích thú cho cộng đồng công nghệ trong nước và quốc tế. PhởGPT đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển các mô hình ngôn ngữ tiếng Việt hiệu suất cao, làm cơ sở để phát triển các ứng dụng thực tế, phù hợp với chiến lược phát triển AI đến năm 2030 của Chính phủ.

Khác với một phần mềm sở hữu riêng như ChatGPT của OpenAI, PhởGPT là một dự án mã nguồn mở (Open-source), có nghĩa là mã nguồn này phát triển công khai và sẵn cho cộng đồng phát triển các ứng dụng. Vì là mã nguồn mở nên VinAI không giới hạn về tính thương mại, tất cả các bên đều có thể sử dụng PhởGPT để phát triển các ứng dụng cho riêng mình, kể cả ứng dụng cho mục đích thương mại. Cách làm này sẽ giúp gia tăng sự lớn mạnh của PhởGPT. Các chuyên gia AI nhận định: Với mô hình ngôn ngữ dữ liệu lớn có 7,5 tỷ tham số, được xây dựng trên nền tảng giải mã Transformer, PhởGPT được huấn luyện từ đầu, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện có (như cơ chế tập trung chớp nhoáng (Flash Attention), ngoại suy độ dài ngữ cảnh (AliBi)… không chỉ giúp hiểu sâu hơn về ngữ cảnh mà còn làm tăng khả năng đối thoại và tương tác tự nhiên của PhởGPT, đáp ứng đa dạng các nhu cầu ngôn ngữ của người sử dụng.

Dùng tiềm lực của những công ty mạnh

Năm 2023, Tập đoàn FPT mua khá nhiều công ty có công nghệ cốt lõi, như tháng 2, FPT mua toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services), một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Công ty Intertec International, Mỹ. Với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec sẽ giúp hai bên đảm bảo đồng hành khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh.

Đến tháng 11, Tập đoàn FPT mua Cardinal Peak - công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ. Với sự gia nhập của Cardinal Peak, FPT được bổ sung đội ngũ hàng trăm kỹ sư am hiểu chuyên sâu các công nghệ IoT, điện toán đám mây, di động… và thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong từng lĩnh vực. Sang tháng 12, FPT công bố mua 80% cổ phần của AOSIS - công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp, là thương vụ nằm trong chiến lược mở rộng hiện diện toàn cầu và nhất là tạo dấu ấn về năng lực cạnh tranh công nghệ tại châu Âu của FPT. Công ty cũng tăng cường hợp tác chiến lược, như ký kết với Landing AI, công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ, để phát triển kinh doanh và nguồn nhân lực AI vào tháng 10. Từ hợp tác này, FPT trở thành một trong những nhà đầu tư lớn và đối tác chiến lược của Landing AI tại châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cam kết phát triển AI trong 2 lĩnh vực công nghệ và giáo dục. Trước đó, FPT và Landing AI đã thành công trong việc phối hợp và cung cấp giải pháp AI cho dây chuyền sản xuất của một tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất nội thất ô tô với doanh số hàng năm khoảng 13 tỷ USD.

Các thương vụ mua bán, sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023, tốp 50 công ty công nghệ toàn cầu năm 2030.

Công nghệ lõi để ứng dụng và kinh doanh

Vào tháng 2-2023, tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023 ở Barcelona (Tây Ban Nha), Viettel High Tech (VHT, thành viên của Tập đoàn Viettel) cùng Qualcomm (Mỹ) công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32 phát, 32 thu) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN của Qualcomm…, làm thay đổi cái nhìn về cách làm công nghệ của Việt Nam trước các đối tác quốc tế. Đội ngũ kỹ sư của Viettel High Tech cùng tham gia nghiên cứu, đưa ra những phương án tối ưu và hoàn thành sản xuất bo mạch hoàn chỉnh cho trạm thu phát 5G trong thời gian chỉ bằng 1/3 so với quy trình phát triển thông thường. “Kết quả hợp tác với Qualcomm sẽ thúc đẩy tiến trình thương mại hóa sản phẩm 5G của Viettel trên diện rộng”, ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Viettel High Tech, phấn khởi thông báo.

28a-1980.jpg
Các nhân viên đa quốc gia của FPT Software đang thực hiện một dự án

Viettel cũng đã công bố nghiên cứu thành công chip 5G vào đầu tháng 11-2023, một trong những sản phẩm công nghệ cao, đang “sốt” hiện nay và hứa hẹn giá trị cao hơn trong những năm tới… Việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại. Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai. Hay như Viettel High Tech và Công ty PT. Bandara Praniagatama (Indonesia) đã ký kết thỏa thuận về phân phối sản phẩm Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel hồi tháng 11-2023. Hợp tác này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm mô phỏng lái máy bay của Viettel, dự kiến doanh thu hàng chục triệu USD.

Một năm nhìn lại, thành quả của VinAI, FPT, Viettel và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cho thấy doanh nghiệp Việt Nam không chỉ lớn mạnh mà ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế trong hầu hết các lĩnh vực. Đây sẽ là tiền đề để sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam vững vàng bước ra thế giới, mang doanh thu “khủng” trở lại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục