Khát vọng cống hiến và chinh phục thế giới

Họ là 2 trong số 49 kỹ sư công nghệ của Viettel đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022. Một người khi nhận giải thưởng cao quý này chỉ mới 27 tuổi; người còn lại vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

hấp nhận thử thách

Tốt nghiệp khoa Điện tử viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2012, mặc dù nhận được nhiều lời mời làm việc tại các công ty lớn nhưng Nguyễn Như Thành (34 tuổi) vẫn quyết định “đầu quân” cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Thành tâm sự, thời điểm đó, Viettel tuyển dụng rất khó, qua nhiều vòng thi tuyển, phỏng vấn; vào được rồi thì môi trường làm việc “khắc nghiệt” với kỷ luật quân đội đặt lên hàng đầu… Tuy nhiên, tuổi trẻ cùng khát vọng chinh phục thử thách đã vượt qua tất cả.

“Trong quá trình phỏng vấn, trao đổi với những người đi trước, mình thấy Viettel sẽ còn phát triển và bản thân có rất nhiều cơ hội để học hỏi ở nơi đây. Mình là người thích chinh phục, thích làm những việc mà người khác không dám làm. Vượt qua được những thách thức sẽ biết giá trị, năng lực, giới hạn bản thân mình đến đâu. Mình quyết tâm thi vào và gắn bó với Viettel là vì thế”, Thành chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Như Thành được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022
Kỹ sư Nguyễn Như Thành được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022

Thành hiện là Trưởng phòng Xử lý cấp 2, Trung tâm Radar, Tổng Công ty Công nghệ cao Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel). Anh là một trong những kỹ sư thực hiện chính trong công trình radar được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022. Còn hiện tại, Thành đang chủ nhiệm đề tài VRS-MCX, đài radar cơ động tầm trung băng X, đa nhiệm, có khả năng cảnh giới và chỉ thị mục tiêu. Sản phẩm dự kiến đem lại doanh thu gần 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025, với số lượng là 15 đài sẽ được triển khai.

Nói về những sản phẩm do mình cùng tập thể các kỹ sư Viettel làm ra, Thành cho biết, trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quốc phòng, nhưng thời gian tới, theo định hướng của Viettel, ngành radar sẽ phát triển thêm những sản phẩm mang tính dân sự, cùng với đó là việc tiến hành “nâng cấp” những sản phẩm lên “phiên bản” mới như radar thông minh, đa chức năng với công nghệ cao hơn. Mục tiêu lớn nhất là đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển để có thể tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Cùng việc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, giữa tháng 3 vừa qua, Nguyễn Như Thành đã được Bộ Quốc phòng tuyên dương là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2022.

Theo Nguyễn Như Thành, lĩnh vực radar của Viettel đã và đang sáng tạo ra những sản phẩm ngang tầm thế giới, phục vụ cho nhiều mục đích từ phòng không - không quân, hải quân đến dân sự. Tuy nhiên, Viettel cũng đang phải đối mặt với một số thách thức trong lĩnh vực này. Trong đó, thách thức lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm tương tự ở nước ngoài nên cần phải tạo được niềm tin của khách hàng.

“Lợi thế lớn nhất của chúng tôi là ban đầu đã rất gần với khách hàng, thỏa mãn được nhu cầu, yêu cầu của mỗi khách hàng và có thể đem lại được những giá trị mà những công ty lớn khác không có được. Yếu tố quyết định thành công của sản phẩm mà chúng tôi phát triển đó là kết hợp được giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn. Mình có một niềm tin là trong vài năm tới, chắc chắn những sản phẩm của Viettel sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài, chinh phục được các khách hàng quốc tế bởi những tính năng, giá trị thiết thực mà sản phẩm mang lại”, Thành khẳng định.

Và cống hiến

Tháng 5-2022, khi cùng tập thể các kỹ sư Viettel nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Phạm Dương Nam mới 27 tuổi. Không chỉ trẻ nhất trong tập thể các kỹ sư được vinh danh, mà Nam còn là người trẻ nhất được trao giải thưởng cao quý này.

“Hôm trao giải, vợ mình cũng có tham gia. Vợ mình từ trước đến giờ không hình dung được công việc cụ thể của mình, chỉ biết sơ qua là làm về các thiết bị liên quan đến quân sự. Gia đình mình cũng vậy. Chỉ đến khi được nhận giải thưởng, báo chí nói đến, thì cả gia đình mới hình dung được phần nào công việc đó. Nhiệm vụ của mình mang tính chất đặc thù, không được chia sẻ với người khác về dự án, kể cả người thân”, Nam cho biết.

Phạm Dương Nam được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022

Phạm Dương Nam được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng năm 2022

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự vào năm 2018, Nam từng gia nhập một công ty khác trước khi trở thành kỹ sư phần mềm thuộc Trung tâm Radar, Tổng Công ty Công nghệ cao Viettel. Nam cho biết, ở công ty cũ, công việc hơi bó hẹp, cảm thấy không đủ không gian phát triển nữa nên rời đi.

Thời điểm đó, Nam lựa chọn đến với Viettel vì nghĩ sẽ có cơ hội phát triển, nhiều vị trí để thử sức và được làm thật… Lúc đầu, Nam cũng có hình dung một chút về dự án sẽ làm nhờ những chia sẻ của các anh đi trước trong quá trình phỏng vấn. Khi biết là sẽ làm dự án về radar, Nam thấy háo hức, có gì đó rất mới mẻ và muốn thử sức.

Nam cho biết, chưa bao giờ mơ hay có suy nghĩ nhận được giải thưởng lớn và vinh dự như thế. Nếu không phải là người của Viettel thì thực sự rất khó để đạt được thành tích đó. Bởi, dưới góc nhìn của Nam, để có được sản phẩm và kết quả như vậy, trước hết là nhờ được ở trong một tập thể rất mạnh; thứ hai được tham gia giải quyết những bài toán quan trọng với cả tập thể. Tập thể đó chính là Viettel.

Nam cho rằng, khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” là điều được nghe rất nhiều và đã trở thành phản xạ để nói ra, thảo luận trong quá trình làm việc. Các lãnh đạo ở Viettel cũng thường xuyên nói về điều này, chia sẻ về những dự án mà Nam cùng đồng nghiệp tiếp tục tham gia và cống hiến. Đó cũng chính là động lực để Nam và các đồng nghiệp chấp nhận mọi khó khăn, thử thách trong quá trình làm việc, thấy vinh dự và tự hào khi tham gia những dự án có ý nghĩa.

“Khát vọng bây giờ của mình là muốn được tham gia phát triển thêm nhiều sản phẩm radar khác, mang nhiều công nghệ cao hơn, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Từ góc độ cá nhân, khát vọng của mình là gắn với tập thể nhiều hơn”, Nam tâm sự. Thời gian đầu vào Viettel, Nam cứ nghĩ kỹ sư phần mềm chắc suốt ngày chỉ ngồi văn phòng và gõ bàn phím. Thế nhưng, thực tế thì Nam cùng các đồng nghiệp liên tục đi công tác khắp nơi. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng nhớ. Nam đến từng đơn vị bộ đội, đến các trận địa, thực hiện những thao tác “chiến đấu” với các anh em chiến sĩ trên trang thiết bị, sản phẩm mới. Nếu không có sức khỏe và bền chí thì khó mà theo đuổi dự án đến cùng.

“Trong mùa dịch Covid-19 năm 2021, mình phải xa gia đình khoảng 2 tháng. Nhóm mình gần 10 người, ăn cùng nhau, làm cùng nhau, ngủ cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ nghiệm thu sản phẩm cấp Bộ Quốc phòng. Có thời gian khoảng 2 tuần ở khu cách ly tập trung. Thời điểm đấy, mình mới cưới vợ hơn một năm, con gái mới 7 tháng. 2 tháng không nhìn thấy mặt con, lúc về nhà, con cũng không cho bế. Vợ cũng thi thoảng cằn nhằn vì suốt ngày đi. Mình tận dụng triệt để những khoảng thời gian ở bên gia đình để bù đắp lại cho vợ con, sau những chuyến công tác dài ngày…”, Nam kể lại.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng được trao cho tập thể Viettel, trong đó có Nguyễn Như Thành và Phạm Dương Nam, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những chiến công thầm lặng của các nhà khoa học quân sự Việt Nam. Họ đã tận tâm, tận lực nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhà máy và cả ở những nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để có được các thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Qua đó, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong lĩnh công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trên trường quốc tế.

Nói như Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghệ cao Viettel: “Không đầu hàng trước mọi khó khăn, các kỹ sư Viettel luôn biết tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để tự vượt qua giới hạn của bản thân, đóng góp nhiều trí tuệ và định vị thương hiệu Viettel, khẳng định tên tuổi Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”.

Tác giả TRẦN LƯU

Bình chọn bài viết

Bài viết mới