Đồng Nai là nơi hình thành nên khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 - KCN đầu tiên của cả nước - hiện có 31 KCN với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Toàn tỉnh cũng có hơn 40.130 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn hơn 310.129 tỷ đồng và thu hút được 1.520 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30,76 tỷ USD.
Nhiều dự án công nghệ hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao nên trong nhiệm kỳ 2020-2025, công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực chủ chốt trong cơ cấu kinh tế tỉnh ưu tiên phát triển. Thêm vào đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2021, hoạt động vào năm 2025 cũng sẽ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang thương mại - dịch vụ.
Với Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cốt lõi trong mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 là “tiếp tục phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp” và thêm “cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”. Còn với Bình Dương, đại hội Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua 9 nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, kèm theo là 4 khâu đột phá về xây dựng Đảng - phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị thông minh, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển hạ tầng giao thông.
Đáng chú ý hơn cả là 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, nhiều năm nay thuộc nhóm dưới của khu vực, cũng đang có những quyết tâm bứt phá mạnh mẽ. Chưa bao giờ Tây Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư và kim ngạch xuất khẩu cao như trong 5 năm qua, đã giúp cho số thu ngân sách của tỉnh tiệm cận 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD (những con số mà trước đó nhiều năm còn là mơ ước của Đảng bộ và người dân trong tỉnh).
Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tạo đột phá về kinh tế - xã hội, “đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”. Trong đó, tỉnh định hướng phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, qua đó đẩy khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và không quên củng cố quốc phòng - an ninh của một tỉnh vùng biên.
Với Bình Phước, dư luận cũng cảm nhận được một khí thế rạo rực của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh qua quá trình chuẩn bị trước và những gì thể hiện tại đại hội lần này. Một văn kiện đại hội, qua phát biểu chỉ đạo đại hội của đồng chí Trần Thanh Mẫn (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) là: Bộ Chính trị và Ban Bí thư đánh giá cao việc Bình Phước chủ động xây dựng “tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ cho việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; thể hiện tầm nhìn xa, tư duy chiến lược…”. Tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết đại hội bằng 12 chương trình hành động, phấn đấu đến năm 2025 thu ngân sách đạt 18.000 - 18.500 tỷ đồng để tự cân đối được ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Với truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường được tôi luyện qua chiến tranh và với tinh thần vượt khó, đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế thời bình, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một thời kỳ phát triển mới với nhiều bứt phá của các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ.