“Rảnh thì gầy độ nhậu là vui nhất”, “Không làm gì thì ngủ chứ biết đi đâu”, đó là tinh thần của hầu hết giới trẻ hiện nay. Mà đúng thật, nhìn đi nhìn lại, giới trẻ TP hiện cũng chỉ có vài điểm sinh hoạt. Đơn cử như Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình), tuy không rộng, quy mô còn hạn chế nhưng dù sao cũng là điểm giới trẻ tới lui khi rảnh rỗi.
Hay tối tối, các bạn rủ nhau ra Phố đi bộ Nguyễn Huệ uống trà sữa, tán gẫu. Khoảng hơn 3 tháng nay, phố đi bộ còn tổ chức chương trình nghệ thuật vào mỗi cuối tuần. Vì sân chơi khan hiếm nên nơi đây thu hút rất đông người trẻ, dẫn đến quá tải. Bởi vậy, việc tìm chỗ gửi xe cũng trần ai, mất cả giờ chen lấn, lọt vào được đường Nguyễn Huệ thì chông chênh giữa biển người. Một lần, hai lần là…ngán!
Trước đây, Nhà văn hóa (NVH) Thanh niên cũng giải quyết được phần nào nhu cầu giải trí của giới trẻ. Những hoạt động dành cho thanh niên, các khóa học kỹ năng… một thời gian dài đã thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Thế nhưng thời gian gần đây, NVH Thanh niên luôn trong tình trạng quá tải. Khi mặt bằng được tận dụng tối đa để cho thuê tổ chức các sự kiện thì giới trẻ dần hết mặn mà với nơi này.
Phạm Khánh Vy (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) tâm sự: “Em đăng ký học khiêu vũ tại NVH Thanh Niên nhưng đành bỏ dở khóa học vì ngày nào đi học cũng bị hết chỗ gửi xe. Trong khi đó, lớp học thì quá tải mà không gian học quá chật chội, 5-7 lớp vừa khiêu vũ, vừa nhảy hiện đại… với hàng trăm con người tập trung trên sân thượng, chỉ đi bình thường đã đụng vào nhau. Loa nhạc của lớp này dội vào lớp kia, rối vô cùng”. Từng là người năng nổ, hoạt bát, mong muốn tìm được những sân chơi phù hợp để rèn luyện bản thân, vậy mà Khánh Vy đành “bó tay” chịu giải trí kiểu ngồi một chỗ.
Nhưng điểm lại cũng chỉ có NVH Thanh niên gần như gánh toàn bộ nhu cầu giải trí của giới trẻ, trong khi đó, hoạt động ở trung tâm văn hóa các quận lại rất đơn điệu, có chăng là mở vài lớp dạy nghề để chiêu sinh lai rai gọi là có hoạt động. Còn Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên chỉ tổ chức hoạt động khu trú trong giới sinh viên với đặc thù riêng là các hoạt động phục vụ học tập.
Năm 2004, Trung tâm Dã ngoại thanh thiếu niên TP được xây dựng tại huyện Cần Giờ đi vào hoạt động. Giới trẻ thành phố kỳ vọng về một sân chơi ý nghĩa. Thế nhưng, đến nay sau 13 năm hoạt động, khoảng cách địa lý khiến nơi này chưa thu hút được người trẻ. Phạm Thị Thảo Phương (sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, những hoạt động ở Trung tâm Dã ngoại thanh thiếu niên TP đa dạng và có ý nghĩa, tuy nhiên người trẻ không có điều kiện đến đây mỗi ngày, mỗi tuần, thậm chí mỗi tháng, mà cố gắng lắm cũng chỉ được vài tháng/lần. Trong khi, nhu cầu giải trí của người trẻ là thường xuyên, liên tục và phải thuận lợi.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Sao người trẻ không tới công viên?”. Đáng lý ra công viên phải là nơi nhận nhiệm vụ chính cho các hoạt động giải trí của giới trẻ, thế nhưng thử đi một vòng các công viên ở TP sẽ thấy chán đến mức nào. Dường như, công viên đang bỏ quên người trẻ bởi chưa đầu tư những hạng mục để thu hút đối tượng này. Hiện một số công viên có người trẻ ghé tới cũng bởi nhu cầu luyện ngoại ngữ, còn lại nhu cầu vui chơi giải trí của người trẻ thì công viên hoàn toàn đứng ngoài cuộc.