Trắng như nõn bắp cải, nhưng chứng kiến cách một số nơi người trồng bắp cải làm cho bắp cuốn đẹp, trắng, nhanh mà ghê răng. Kín như chai nước của THP, nhưng vẫn có ruồi ở trong. Và khi con ruồi lọt được vào trong chai nước thì nó thật đáng sợ. Đáng sợ vì nó trở thành con ruồi “quyền uy” và đắt giá nhất thế giới. Nó đưa một công dân vào trong những bức tường bao khép kín và lỏng chỏng một thương hiệu vốn được xem là lớn.
Gần đây, người dân ở TP Vinh và các khu vực phụ cận Nghệ An, Hà Tĩnh được một phen “choáng váng” vì cái gọi là nước sạch. Nhiều hộ gia đình, hàng quán… lâu nay có thói quen dùng nước đóng chai. Vì cũng với tâm lý, cái gì đã đóng chai chả kín, đã được cấp phép thì an toàn. Nhưng, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An phát hiện tới 21 mẫu nước đóng chai không đạt chuẩn, nghĩa là không sạch. Từ đây lại “tòi” ra cái không sạch đáng nói hơn. Đó là người cấp giấy phép để làm ra những chai nước sạch lại “vướng bụi”.
Chưa bao giờ mà cứ hễ bật ti vi, mở mạng, đọc báo là thấy nhan nhản các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, độc hại. Hôm nay nơi này phát hiện vụ tiêm thuốc kích thích cho rau quả, hôm qua bắt vụ vận chuyển nội tạng động vật hôi thối; nơi này phát hiện mực ống ăn như cao su, nơi kia bắt quả tang vụ sản xuất nước mắm, bột ngọt giả… Các cơ quan liên quan hễ họp hành là hô hào “quyết liệt”, nhất là dịp cuối năm lại “trống dong cờ mở” kiểm tra cơ sở này giám sát khu chợ nọ… Nhưng thực phẩm bẩn, độc hại vẫn được bày bán khi lén lút, lúc công khai. Chưa bao giờ vào các bệnh viện, thấy các khoa liên quan đến ăn uống và môi trường như: Tiêu hóa, Ung thư, Thần kinh… bệnh nhân lại đông “áp đảo” so với các khoa khác đến vậy.
Người dân miền núi đã và đang khát nước sạch, cho dù chỗ này chỗ kia có đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch. Xin thưa, nói cho đúng thì người dân miền núi “bị” khát nước sạch. Ngàn đời nay họ “ăn rừng, uống khe”, nhưng sau này thì sao? Rừng đầu nguồn bị tàn phá, các mạch nguồn nước bị triệt tiêu dần; đất đai, núi đồi bị xới tung khai thác quặng… Rồi cũng chính người dân miền núi, một số nơi dân chấp nhận nhường chốn quê cha đất tổ cho nhà máy thủy điện để đến nơi ở mới. Thủy điện tích nước làm ra điện sinh lời, còn dân đến quê mới (đơn cử như các khu tái định cư thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ ở Nghệ An) thì khan hiếm nước trong sinh hoạt, không có nước để tạo ruộng làm lúa. Với “tình cảnh” như vậy, nói người dân miền núi “bị” khát nước mới phải.
Năm nay, người dân sống tựa sông Lam (Nghệ An và Hà Tĩnh) lại khát những mùa nước dâng. Chưa có năm nào mà sông Lam lại “tằn tiện” nước với bà con như vậy. “Lộc trời” của bà con vùng hạ du, đó là rươi, năm nay mất mùa. Các loại cá sông, trong đó có cá vên đặc sản đã lặn không sủi tăm… Sắp tới, nếu không xuất hiện mưa lớn, người dân một số nơi có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đồng ruộng nhiều vùng chực chờ nước sản xuất… Khi ấy, như đã thành “thông lệ”: lãnh đạo địa phương lại phải thay mặt bà con ra văn bản đề nghị các nhà máy thủy điện xả nước, nói nôm na như dân quê là “xin nước”, vì khát. Người dân đồng bằng sông Cửu Long năm nay không có mùa nước nổi. Nhiều nguy cơ khi vắng mùa nước nổi đã được các nhà khoa học phân tích và cảnh báo. Không có mùa nước nổi đồng nghĩa với những cánh đồng thẳng cánh cò bay “thoái” phù sa và thay vào đó là đất phèn nước mặn; là đàn đàn lớp lớp tôm, cá vốn về theo lũ nay trốn biệt bên Biển Hồ (Campuchia)... Ai đó có thể đổ thừa hiện tượng này do biến đổi khí hậu, nhưng thật khó biện minh về việc cố tình xây dựng những con đập chẹn ngang phía thượng nguồn dòng Mekong.
DUY CƯỜNG