Đây là kết luận được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 29-8, đúng vào dịp diễn ra Tuần lễ Nước thế giới 2017 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Theo báo cáo của WB, với tình trạng cung cấp nước bất hợp lý và điều kiện vệ sinh kém, riêng khu vực Trung Đông và Bắc Phi phải chịu khoản thiệt hại kinh tế lên tới 21 tỷ USD/năm.
Sự yếu kém trong việc quản lý nguồn nước và điều kiện vệ sinh tại khu vực khan hiếm nước nhất thế giới này làm tốn kém khoảng 1% tổng sản phẩm GDP của khu vực/năm.
Số ca tử vong do nguồn nước và điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số nơi trong khu vực, đặc biệt tại các quốc gia chịu ảnh hưởng xung đột, cũng cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Trong bối cảnh các cuộc xung đột và khủng hoảng di cư hiện nay đang bùng phát tại Trung Đông và Bắc Phi, sự thất bại trong việc giải quyết những thách thức nguồn nước có thể tác động nghiêm trọng đối với đời sống của người dân cũng như sự ổn định chính trị.
Thực trạng tiêu thụ nước vượt quá khả năng cung cấp cũng đang biến khu vực này trở thành “điểm nóng toàn cầu của việc sử dụng nguồn nước không bền vững”.
Do đó, báo cáo cho rằng các quốc gia trong khu vực cần có sự phối hợp giữa chính sách, công nghệ và các công cụ quản lý để có thể cải thiện tình trạng khan hiếm nước, trước sức ép dân số đô thị trong khu vực có thể sẽ tăng gấp đôi, lên gần 400 triệu người trước năm 2050.
Tờ Les Echos (Pháp) số ra ngày 28-8 có bài viết với tiêu đề “Tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng hơn trên hành tinh”, trong đó nhấn mạnh thế giới khó có thể đạt mục tiêu đảm bảo cho toàn nhân loại được tiếp cận với nguồn nước sạch vào năm 2050 theo mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc.
Bài báo dẫn báo cáo tổng hợp từ nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện có tới 633 triệu người không có đủ nước dùng và tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trên toàn cầu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch là hiện tượng Trái đất nóng lên khiến các đợt khô hạn diễn ra thường xuyên hơn. Biến đổi khí hậu còn làm đảo lộn việc phân bổ mưa trên thế giới.
Trong khi mây ngày càng dày hơn tại các vùng cực, thì tại các khu vực xích đạo như phía Nam sa mạc Sahara, Nam Mỹ hay Trung Đông, mây lại mỏng hơn. Một nguyên nhân khác là do trữ lượng nước trong các mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng.
Các mạch nước ngầm vốn chiếm tới 30% lượng nước dự trữ của hành tinh, song lượng nước được lấy đi vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa. Giới chuyên gia dự báo trong 20 năm nữa, sẽ có tới 60% mạch nước ngầm riêng tại Ấn Độ rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nước sạch còn do tình trạng lãng phí nước ở các quốc gia phát triển, đơn cử trường hợp ở Mỹ. Hiệp hội ngành nước của Mỹ cho biết, tại quốc gia này, mỗi ngày có gần 23 tỷ lít nước bị lãng phí.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các chính sách, công nghệ và công cụ quản lý của chính phủ, cũng cần có sự phối hợp của người dân với ý thức tiết kiệm cao độ mới có thể cải thiện tình trạng khan hiếm nước hiện nay.