1. Không rõ có cha mẹ nào bị mang tiếng hành con như vợ chồng tôi. Con cái ăn được tới đâu thì ăn, uống được bao nhiêu thì uống, không ép uổng chi cho mệt mẹ mệt con. Hư thì bị phạt, không ôm ấp dỗ dành như nhiều người khác. Mẹ đẻ tôi thì bảo vợ chồng tôi khắt khe quá đáng, rằng là đứa trẻ còn nhỏ thế sao đã tự giác được, rồi biết gì là nhõng nhẽo hư thân. Hàng xóm thì nói: “Đất không chịu trời thì trời chịu đất, cố quá làm gì để con đau bệnh vì khóc”. Vợ chồng tôi vẫn giữ quan điểm, phải cho con vào nề nếp từ nhỏ, chứ để lớn nắn sao kịp.
Ở tầng chung cư nơi gia đình tôi sinh sống có hơn 20 gia đình trẻ, nhà nào cũng có con nít. Đứa lớn thì vài tuổi, nhỏ thì vài tháng hoặc 1-2 tuổi. Giờ ăn cơm, giờ ngủ, ồn ào vô cùng. Bé Trang, con gái chị Liên nhà ở đầu hành lang, năm nay đã 2 tuổi nhưng giờ ăn phải mở ti vi thật lớn, thật sôi động. Vài lần đi qua, tôi thấy cô bé vừa ăn vừa nhảy theo nhạc từ ti vi phát ra, có khi chạy lòng vòng quanh nhà. Thích thì nuốt thức ăn, không thì Trang sẽ phun cái vèo vào đồ đạc. Hễ hôm nào cúp điện thì phải thay thế bằng điện thoại, bằng không bé Trang nhất định sẽ nhịn, chờ có điện, có nhạc mới chịu ăn. Còn bé Thanh nhà chị Bình thì phải có người làm trò hoặc cha mẹ thay nhau quát tháo mới chịu nuốt miếng cơm đã ngậm trong miệng đến vài phút. Phần lớn bữa ăn của bé Thanh diễn ra trong nước mắt.
Mấy khung giờ tầm 10 giờ 30 - 11 giờ và 17 giờ - 18 giờ, hành lang chỗ nhà tôi nhộn nhịp lắm. Mấy bà, mấy mẹ bưng chén cháo, chén cơm đuổi theo tụi nhỏ đang chạy nhảy, la hét. Thi thoảng bắt kịp con, các bà, các mẹ dùng chân kẹp người, tay nhanh nhẹn bón muỗng cơm thật lớn trước khi chúng kịp phóng mất. Vài đứa nhỏ hơn thì được ẵm trên tay, vừa đi rong vừa ăn. Tôi hình dung, cảnh ấy giống như ở quê tôi nhiều năm trước. Chiều đến, các bà ẵm cháu đi dọc đường làng để bón cơm. Có những đứa trẻ, đi đến mấy vòng đường, mất cả giờ đồng hồ chén cơm chan canh lạnh ngắt mới chịu hết.
Gia đình tôi nằm ngoài cái chung ấy, dù phải thừa nhận cu Bin không được bụ bẫm lắm. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi cứ cằn nhằn mãi. Bà bảo không khoa học cũng được, miễn cháu bà chịu ăn và phải có da có thịt mới khỏe. Tôi vẫn kiên quyết ăn ra ăn, chơi ra chơi, mỗi đứa trẻ có nhu cầu dinh dưỡng riêng, không nên ép.
2. Ngay từ khi tập ăn dặm, cu Bin đã phải ngồi vào ghế tập ăn, ti vi cũng không mở. Tôi chỉ cho con khoảng 10 phút để ăn một chén bột, thời gian đủ để chén bột còn ấm đến muỗng cuối cùng. Bữa ăn của con không quá 15 phút. Nếu con không muốn ăn, tôi sẽ ngưng ngay.
Cu Bin không phải đứa trẻ dễ thích nghi. Ban đầu, thằng bé không hợp tác, khóc lóc, nhè thức ăn nên hay bị… bỏ đói. Vài ngày liên tục như vậy, cu Bin tọp đi trông thấy nhưng tôi chấp nhận và cho con một thời gian để tập thành thói quen. Mất hơn một tuần, cu Bin bắt đầu thích nghi với cách ăn ngồi một chỗ và 3 tuần mới bắt kịp giờ ăn tôi quy định.
Nhớ có một lần, hồi cu Bin khoảng 7 tháng tuổi, khu nhà tôi bị cúp điện. Lúc ấy đã đến giờ đi ngủ nhưng nóng nực quá nên cả nhà xuống sảnh chơi cho mát. Kể từ đó, cu Bin bắt đầu chướng tính, cứ tới giờ ngủ là đòi ẵm đi chơi. Không được đáp ứng, con ăn vạ, 2 chân đạp thình thịch xuống giường. Mấy lần đầu bà ngoại xót cháu, vội ẵm đi chơi, dỗ dành, rồi bé ngủ trên vai bà. Riết thành quen, ngày nào không được đi chơi, cu Bin nhất định không ngủ mà quấy khóc không ngừng.
Nhiều lần góp ý với bà không được, vợ chồng tôi bàn nhau, chốt cửa phòng để “thi gan” cùng con. Dĩ nhiên, cu Bin khóc rất nhiều. Tôi và cha nó mỗi người một góc, lặng lẽ và tự dặn bản thân không được mủi lòng. Mất 3 ngày liền, cu Bin khóc mệt lả rồi lăn ra ngủ. Nhìn đồng hồ, lần nhiều nhất con khóc đến 2 giờ, lạc cả giọng. Ngày thứ tư, con khóc ít hơn. Tôi đợi con nín mới lại ôm và ru vào giấc ngủ. Những ngày sau đó, cu Bin bắt đầu vui vẻ hơn trước giờ đi ngủ, nhất là lúc được mẹ vỗ về… Hành trình những tháng đầu đời của cu Bin không được quá tự do như nhiều đứa trẻ khác, bởi tôi biết con thiệt trước nhưng lợi sau. Giờ cu Bin đã hơn 1 tuổi, biết tự ngồi vào bàn ăn và tự giác khi đến giờ đi ngủ.
Bà ngoại không phải xót cháu nữa. Mỗi ngày, nhìn đám trẻ cùng tầng vẫn vừa ăn vừa chạy nhảy, cả người lớn và con nít đều mệt lả sau bữa ăn, bà mới thừa nhận giá trị của nề nếp và sự tự giác. Tôi thì rất mừng bởi sự khắt khe quá đáng của mình cũng có kết quả, giúp con được thưởng thức bữa ăn và có giấc ngủ ngon.