Tìm sân khấu chuẩn cho học đường
Vì ít có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dành riêng cho thiếu nhi, một bộ phận phụ huynh mong chờ vào chương trình sân khấu học đường đang diễn ra ở nhiều trường học hiện nay, của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa. Chương trình này đem đến cho học sinh những kiến thức cơ bản về nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân ca, đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, kịch nói, kịch rối lịch sử… Tuy nhiên, cách làm chương trình hiện chỉ mang tính giải pháp tạm thời, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Anh Trần Ngọc (một phụ huynh ở quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Chỉ 1-2 buổi diễn mà để bọn trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc, e là chúng ta - người lớn đang kỳ vọng quá lớn. Ở lứa tuổi cấp 2, con tôi và bạn bè chúng có nhiều sự lựa chọn hơn, nên khi “ép” chúng ngồi ở sân trường xem hết một buổi diễn đờn ca, rồi về lớp phát biểu cảm nhận, e là chưa đủ thấm. Bản thân con tôi cũng nói rằng cháu nghe vì phải nghe, chứ nghe xong cũng quên hết trơn”. Bởi vậy, có ý kiến của phụ huynh và cả những người làm văn hóa là cần kíp phải đưa nghệ thuật truyền thống, dân gian vào chương trình giáo dục học đường, trong các giáo trình giảng dạy chính quy về văn hóa nghệ thuật và có nội dung phù hợp với từng độ tuổi, cấp học.
Về nội dung thực hiện, đạo diễn Hoàng Duẩn tâm tư: “Chương trình sân khấu học đường do Sở VH-TT đầu tư cho một số đơn vị được thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nội dung chương trình có phù hợp với lứa tuổi các em hay không cũng chưa thể đánh giá chính xác. Việc giao khoán cho các đơn vị một khoản kinh phí để làm cũng chưa rõ ràng: cách chọn đơn vị có điều kiện như thế nào, xứng đáng để giao thực hiện hay không, chương trình có chất lượng, hiệu quả? Cần phải minh bạch bằng dự án đấu thầu cho cả đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa, để chọn ra đơn vị có chương trình chất lượng và không nên làm xé lẻ một cách manh mún như bao lâu nay”.
Nhiều nghệ sĩ trực tiếp làm nghề cũng chỉ ra những bất cập của chương trình sân khấu học đường như: phải xét duyệt kỹ nội dung, hình thức biểu diễn, xem lại loại hình nghệ thuật nào nên giới thiệu cho cấp 1, cấp 2, cấp 3; nếu các em đã học thì để các em được thị phạm, cảm nhận, hiểu, mới yêu thích được. Chỉ khi có kế hoạch cụ thể, có sự chắt lọc trong tổ chức biểu diễn thì chương trình sân khấu học đường mới đi đúng hướng.
Lại chuyện thiếu nhà hát
TPHCM có gần 4 triệu trẻ em, nhưng lại không có một nhà hát nào dành cho con trẻ. NSND Trần Minh Ngọc trăn trở: “Thời bao cấp, chúng ta luôn dành những khoảng không gian lớn để các em vui chơi, giải trí và phát huy tài năng. Đặc biệt là Nhà Thiếu nhi TPHCM là nơi giúp các em vui chơi, vận động, phát triển tốt. Hiện nay, Nhà Thiếu nhi TPHCM đã được xây mới rất đẹp thì cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa, nên khai thác triệt để sân khấu thiếu nhi ở đây. Bên cạnh đó, các tác giả cũng nên thúc đẩy sức sáng tạo, viết cho các em những tác phẩm âm nhạc, sân khấu chất lượng. Và cũng đừng quên phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa”.
Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ thêm: “TPHCM nên có một nhà hát dành cho trẻ em, nơi trình diễn tất cả những loại hình nghệ thuật, được đầu tư dàn dựng chăm chút với nhiều kịch mục hấp dẫn, phù hợp với từng lứa tuổi, hoạt động thường xuyên với một đội ngũ giỏi nghề, am hiểu về trẻ em. Từ thực tiễn còn nhiều khó khăn, có thể tạm chọn sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang làm điểm diễn các chương trình thiếu nhi định kỳ mỗi cuối tuần. Đặc biệt, chú trọng phát huy nghệ thuật kịch nói, ca múa nhạc, loại hình sân khấu dễ chạm đến tâm hồn trẻ thơ, thông qua những bài học giáo dục về đạo đức, cách sống, tình nhân ái, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực học đường… Thực ra, việc xây dựng chương trình biểu diễn tại một sân khấu đủ điều kiện, bao giờ cũng hay hơn đem đến sân trường để diễn trên sàn diễn dã chiến”.
Một điểm diễn nghệ thuật dành riêng cho thiếu nhi luôn là nỗi khát khao của phụ huynh với mong muốn có một không gian giải trí lành mạnh cho con trẻ. Riêng những người làm nghệ thuật tâm huyết với sân khấu trẻ thơ, nhà hát thiếu nhi sẽ là nơi họ được làm nghề và cũng là cách làm từng bước gầy dựng một lớp khán giả cho các loại hình nghệ thuật sân khấu.