DIỄN ĐÀN: CHA MẸ QUYẾT ĐỊNH SỐ CON

Khát khao khi đã muộn màng

Cuộc sống hiện đại khiến xu hướng phụ nữ trẻ tuổi ngại sinh con, trì hoãn sinh thêm con ngày càng lớn. Không ít trường hợp ngoài 35, thậm chí 40 tuổi mới kết hôn và sinh con. Chưa kể xu hướng sống độc thân của một bộ phận người trẻ.

Khi bước qua tuổi 35, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu suy giảm. Sau 40 tuổi, việc thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn, nên sinh con vào thời điểm này là đã muộn màng. Dù y học đã có nhiều tiến bộ, song việc sinh con muộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe bà mẹ - trẻ em, đó là chưa kể mất nhiều thời gian và chi phí điều trị.

Q4a.jpg
Một phụ nữ lớn tuổi xúc động khi có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: ĐÌNH TRUNG

Càng lớn tuổi càng ít cơ hội

Lúc không còn phải lo cơm áo, gạo tiền, nhiều cặp vợ chồng muốn sinh con thì… gặp muôn vàn khó khăn. Chị N.T.T.T. (45 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) và bạn trai yêu nhau khi 30 tuổi nhưng đến 40 tuổi mới kết hôn, dù muốn sinh con ngay nhưng do buồng trứng cạn kiệt khiến 3 năm sau họ mới có con nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.

“Tôi ham chơi đến nỗi quên kết hôn, sinh con”, chị T. kể lại rồi cho biết, công việc của 2 vợ chồng khá áp lực nên mỗi cuối tuần chị và hội đồng nghiệp thường chơi thể thao hoặc đi du lịch xa thành phố. “Anh hơn tôi 1 tuổi, rất tôn trọng những mong muốn của tôi, ngay cả việc tôi chưa sẵn sàng để kết hôn”, chị T. cho hay. Gia đình 2 bên đều biết họ yêu nhau, nhưng không hối thúc việc kết hôn.

Năm 2018, ba chị T. mất do bệnh nặng. “Tại bệnh viện, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ba chỉ mong tôi kết hôn và sinh con”, chị T. kể. Sự đau buồn đó khiến chị “giác ngộ”, nhìn lại mình nhưng cũng phải 2 năm sau mới chính thức lên xe hoa và quyết định sinh con ngay.

Tới bệnh viện phụ sản lớn của thành phố thăm khám, đều có kết quả: dự trữ buồng trứng chạm đáy, AMH (khả năng sinh sản và dự trữ buồng trứng của phụ nữ) còn 0.9. Phụ nữ dưới 38 tuổi có chỉ số AMH trung bình từ 2 - 6ng/ml. Chị T. đã 45 tuổi, độ tuổi lớn khiến dự trữ buồng trứng suy giảm theo lão hóa tự nhiên, tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt thưa thớt, vô sinh. “Lúc này tôi mới thấy ân hận”, chị T. kể lại.

Khát khao có con, vợ chồng chị T. tiếp tục tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM (IVF Tâm Anh TPHCM) để khám và điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF). Sau thăm khám, ThS-BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TPHCM, kết luận: Chị T. lớn tuổi, còn rất ít trứng.

Bệnh viện đã xây dựng phác đồ gom trứng tích lũy nhiều chu kỳ giúp tăng cơ hội có con bằng trứng tự thân và nhiều giải pháp y khoa hiện đại khác cho chị T... Gần 3 năm kiên trì, cuối tháng 3 vừa qua, chị T. vượt cạn thành công sinh được 1 bé trai khỏe mạnh, cân nặng trên 3kg.

Kết hôn năm 34 tuổi, so với bạn bè cùng trang lứa, với chị Q.L.C. (ngụ quận 5, TPHCM) đây là độ tuổi trễ. Sau 1 năm, vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui. Được người thân giới thiệu, 2 vợ chồng chị bắt đầu điều trị bằng thuốc đông y kết hợp với thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF), chuyển phôi 3 lần tại một bệnh viện phụ sản trên địa bàn thành phố, nhưng đều thất bại.

Lúc này áp lực công việc, kết hợp với mất quá nhiều thời gian cho IVF, 2 vợ chồng tạm gác lại chuyện sinh con. 7 năm sau, chị C. giật mình khi nhận được thiệp mời cưới con của bạn bè, động lực này thúc vợ chồng chị không thể chậm trễ hơn. Ở tuổi 41, chị C. phải thực hiện cuộc đua với thời gian để kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp. “Khi bác sĩ đưa tờ kết quả xét nghiệm beta hơn 300IU/L và nói “chúc mừng vợ chồng em”, hai vợ chồng tôi đã khóc như mưa”, chị C. kể.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), hiện mức sinh ở nước ta có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.

Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi, tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.

Chú trọng sức khỏe sinh sản

Chị T. và chị C. là 2 trong số hàng trăm ngàn sản phụ lớn tuổi có khát khao sinh con sau thời gian lãng quên để chăm chút cho sự nghiệp và kinh tế, được các bệnh viện sản nhi trên cả nước ghi nhận. Ở góc độ chuyên gia sản phụ khoa, BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) khuyến cáo: người trẻ, nhất là nữ giới cần sinh em bé trước độ tuổi 35. Đây là độ tuổi tốt nhất để người phụ nữ sinh con.

Đối với các cặp vợ chồng sau tuổi 35, nếu sau 1 năm (hoặc 6 tháng) quan hệ đều đặn mà chưa có thai nên đi khám sớm toàn diện sức khỏe sinh sản. Bởi trì hoãn điều trị càng lâu, số lượng và chất lượng trứng, tinh trùng càng suy giảm, khả năng tạo phôi thấp, nguy cơ phôi bất thường, giảm tỷ lệ thụ thai, tăng khả năng sẩy thai, thai lưu, trẻ sinh ra dị tật.

Theo ThS- BS Giang Huỳnh Như, xu hướng phụ nữ sống độc thân, kết hôn muộn và trì hoãn sinh con đang ngày càng phổ biến trong xã hội. Yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là giảm dự trữ buồng trứng. Từ khi sinh ra, trẻ em gái có khoảng 1 triệu nang noãn ở 2 buồng trứng, số lượng giảm dần đến tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 300.000-500.000 nang. Quá trình phát triển, thoái hóa và chọn lọc các nang noãn, phóng noãn liên tục diễn ra trong tuổi sinh sản.

Yếu tố thứ hai là suy giảm chất lượng trứng. Tuổi càng cao, trứng càng có nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt di truyền. Tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể trong trứng của phụ nữ lớn tuổi cao hơn, dẫn đến khó khăn trong việc thụ thai hoặc tăng nguy cơ sẩy thai và dị tật bẩm sinh. Yếu tố thứ ba là các bệnh lý phụ khoa.

Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm nhiễm vùng chậu,… những yếu tố này có thể cản trở khả năng thụ thai và mang thai. Sức khỏe sinh sản của phụ nữ còn được ví như “chuyến tàu không có khứ hồi”, bởi liên tục suy giảm theo tuổi tác.

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, lưu ý, phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ trong độ tuổi từ 25-35 là độ tuổi tốt nhất cho cả mẹ và bé. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, bất khả kháng, cần có thêm giải pháp để bảo tồn sinh sản như trữ trứng ở nữ giới.

Tuy nhiên, người phụ nữ phải chuẩn bị về tâm lý và kiến thức, hiểu biết về quy trình trữ trứng. Ngoài ra, cần chuẩn bị chi phí để thực hiện kỹ thuật này. Bên cạnh đó, hiện chi phí trữ trứng ở Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng so với thu nhập của phụ nữ trung bình trong xã hội thì chi phí này còn tương đối cao. Sau đó, tùy vào số lượng trứng trữ mà chi phí phải đóng để trữ trứng hàng năm từ 3-5 triệu đồng.

Hiện nay, theo các nghiên cứu trứng được trữ vô thời hạn, khi nào người phụ nữ muốn sinh con thì sẽ đề nghị lấy trứng rã ra làm phôi rồi chuyển phôi. Tuy nhiên, lúc đó người phụ nữ cũng cần phải có sức khỏe mới đảm bảo được việc mang thai và sinh con.

Theo Bộ y tế, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Việt Nam hiện nay đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn: từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện ở mức 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3, và nữ giới là 25,1. Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.

Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế thấp để lại hệ quả rất rõ, đặc biệt là Nhật Bản - quốc gia có tốc độ già hóa dân số số 1 thế giới. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều; thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm… Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức sinh thay thế thấp như hiện nay, dự báo đến năm 2069, cứ 2 trẻ em thì có 3 người già (từ 60 tuổi trở lên).

Tin cùng chuyên mục