Tại buổi làm việc, các đại biểu bộ, ngành Trung ương đặt ra nhiều vấn đề về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, cơ chế chính sách đặc thù của huyện Phú Quốc và thảo luận, góp ý bổ sung cho đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, trong đó chú trọng vấn đề phân cấp, ủy quyền đối với Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Hội đồng thẩm định của Ban đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến có 12 tiêu chí để thẩm định. Đây là mô hình chưa từng có ở Việt Nam và xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoàn toàn mới.
Trên cơ sở pháp luật hiện có, thông lệ quốc tế và đánh giá tác động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các bộ, ngành góp ý kiến bổ sung, sẽ tiến hành thẩm định, hoàn chỉnh từng đề án của 3 tỉnh, hoàn thành các bộ thủ tục thông qua các cấp và hội đồng thẩm định để trong tháng 2-2018 thông qua Chính phủ, trình Bộ Chính trị; phấn đấu năm 2018 trình Quốc hội phê duyệt, đồng thời ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Huyện đảo Phú Quốc có tổng diện tích tự nhiên gần 59.000 ha, bao gồm 27 hòn đảo nằm trong vịnh Thái Lan. Cơ cấu hành chính gồm 8 xã, 2 thị trấn; dân số hơn 120.000 người. Phương án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Phú Quốc hiện nay, không tính xã đảo Thổ Châu do dự kiến thành lập huyện Thổ Châu.
Theo đó, xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả thật sự “đặc biệt”, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước; đủ sức đảm đương công việc, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển bền vững Đặc khu Phú Quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh Kiên Giang, tạo sức lan tỏa, kết nối phát triển vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam.