Khảo sát kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè để “đột phá chỉnh trang đô thị“

Đơn vị tư vấn đề xuất chọn khu vực rộng 85 ha chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua quận 3 để “đột phá chỉnh trang đô thị”. Trong phạm vi này có 40.000 hộ dân bị ảnh hưởng, được đề xuất bố trí tái định cư tại chỗ 100%. Qua việc chỉnh trang, quận 3 sẽ có một quỹ đất lớn phục vụ dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng lãnh đạo quận 3 và doanh nghiệp trong buổi khảo sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng lãnh đạo quận 3 và doanh nghiệp trong buổi khảo sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 9-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đi khảo sát một số khu vực ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3) như chợ Lê Văn Sỹ, khu vực xí nghiệp đầu máy toa xe lửa Hòa Hưng… Đây là những nơi đang được nghiên cứu chỉnh trang đô thị, nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân và quỹ đất cho dịch vụ. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Sau khi đi thực địa, đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 3, nghe báo cáo ý tưởng đề xuất của đơn vị tư vấn thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị.

Đột phá chỉnh trang 85 ha đất ven kênh

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình khẳng định, quận đã tổ chức nghiên cứu, có kết quả bước đầu thực hiện chỉnh trang đô thị theo cách đặt vấn đề của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM.

Cụ thể, quận chọn khu vực dọc 2 bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua địa bàn quận (dài 1km, sâu vào 50m) để nghiên cứu, đề xuất ý tưởng đột phá. Khu vực này rộng khoảng 87 ha (chiếm 17% quỹ đất toàn quận) mà đa phần là nhà ở riêng lẻ, sử dụng đất không hiệu quả, điều kiện sống của người dân không tốt.

Đại diện đơn vị tư vấn cũng đề xuất ý tưởng táo bạo thực hiện chỉnh trang đối với khu vực này, là giải pháp “châm cứu đô thị”. Từ đó khai thông các điểm nghẽn, giải phóng tiềm năng phát triển của quận 3. Trong 87 ha này có 9 ha đất nhà ga Hòa Hưng, 10 ha  đất xí nghiệp sửa chữa tàu lửa (có các công trình được xây dựng từ thời Pháp, sẽ được bảo tồn) và diện tích dân cư với số dân ảnh hưởng khoảng 40.000 người.

Giám đốc Sở Xây Dựng Lê Hoà Bình phát biểu trong buổi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với quận 3. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Đơn vị tư vấn cho rằng, khu vực dân cư có điều kiện hạ tầng hạn chế, cần được quy hoạch thành đô thị nén để dự án có tính khả thi cao. “100% người dân bị ảnh hưởng cần được trí tái định cư tại chỗ”, đại diện đơn vị tư vấn đề nghị và cho rằng cần đầu tư cuốn chiếu, ưu tiên nơi tái định cư trước. Giai đoạn sau có quỹ đất sạch sẽ tái đầu tư trong tương lai, xây dựng khu dân cư mới, trong đó có cụm biệt thự, giữ nét đặc trưng cho quận 3.

Đơn vị tư vấn cũng khẳng định, phươnG án này sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân; tăng tỷ lệ cây xanh cũng như đường giao thông. Đặc biệt, phương án này đảm bảo diện tích sàn bố trí tái định cư tại chỗ, song vẫn có quỹ đất cho nhà đầu tư.

Bí thư Quận ủy quận 3 Trần Trọng Tuấn phát biểu trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Bày tỏ đồng tình với một số điểm quan điểm “châm cứu cho 1 điểm, khỏe cho 1 vùng” của đơn vị tư vấn, song Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã lưu ý đến yếu tố cảnh quan đặc biệt là tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cùng đó, việc nghiên cứu cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của TPHCM, nhất là vấn đề giao thông cũng như việc khai thác không gian ngầm nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.

“Khu vực này có thể chấp nhận quy hoạch nén, công trình ốm lại, tăng tầng cao để thêm không gian cho công trình công cộng và cây xanh”, người đứng đầu ngành QH-KT của TP bày tỏ.

Tương tự, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cũng đề nghị nghiên cứu rộng hơn, trong đó có điểm tắc nghẽn giao thông tại vòng xoay ngã sáu Dân Chủ; đồng thời lưu ý đơn vị tư vấn cập nhập nghiên cứu dự án đường sắt trên cao Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) - Hòa Hưng (quận 3, TPHCM) của Bộ GTVT.

Nâng chất lượng sống của người dân

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, phân tích TPHCM đang đối diện với nhiều áp lực. Cứ 5 năm dân số ở TPHCM tăng khoảng 1 triệu dân nhưng các cơ quan chức năng chưa trả lời được những người dân này sẽ ở đâu.

Đặc biệt, TPHCM là một đô thị lớn nhất cả nước nhưng có đến 60% là nhà không kiên cố. Thực tế này đặt ra yêu cầu tìm lời giải khả thi nhằm giải quyết chỗ ở, cải thiện môi trường sống của người dân. “Dân số gia tăng cũng tạo áp lực lớn cho giao thông, đòi hỏi phải sắp xếp lại nhà trong nội thành để mở rộng đường sá”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc với quận 3.  Ảnh: VIỆT DŨNG 

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, một số địa phương đang đứng trước áp lực về chỉ tiêu tăng thu ngân sách và đang trông chờ nguồn thu từ các ngành dịch vụ. Song, quỹ đất đầu tư cho nhà hàng, khách sạn, bệnh viện  không còn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị UBND TP tham mưu để tiếp tục khảo sát, nghiên cứu ở một vài địa phương khác, để đánh giá, tìm ra nguyên tắc chung trong việc thực hiện. Yêu cầu quan trọng phải tuân thủ là việc chỉnh trang phải đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân, tăng thêm mảng xanh cho thành phố và có thêm đất cho các ngành dịch vụ.


Thực tế này cũng đòi hỏi phải tái cơ cấu quỹ đất để người dân có nơi ở tốt hơn, đồng thời tạo ra được quỹ đất phục vụ cho dịch vụ, có thêm cây xanh. “Những mục đích này có nhiều mâu thuẫn nhau, thì liệu có cách giải quyết không và tiền đâu để thực hiện”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đau đáu và gợi ý giải pháp thực hiện mà không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng kinh nghiệm một số nơi đã thực hiện thành công. Chẳng hạn, tại một nhà ga ở Hồng Kông sau khi chính quyền tổ chức quy hoạch lại thì “dư” được một quỹ đất. Chính quyền bán phần đất này lấy nguồn đầu tư nhà ga. Từ đó, đồng chí mong muốn các đơn vị liên quan tìm hiểu, đề xuất phương án tình chính phù hợp với thực tiễn của TPHCM và đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh quận 3 đã chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án chỉnh trang đô thị, song những ý tưởng của đơn vị tư vấn cũng ở bước sơ khởi và tập trung quá nhiều vào việc xây mới. Bày tỏ đồng tình với việc chỉnh trang, song đồng chí yêu cầu phải đảm bảo những công trình, khu vực “cứng”, gồm những trục giao thông; các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử...

Cùng đó là những công trình mới, tạo điểm nhấn về cung cấp hạ tầng dịch vụ tiêu biểu như khách sạn mới, trung tâm vui chơi giải trí…, theo đặt hàng của UBND TP. Ngoài ra, khi chỉnh trang phải đặt trong mối liên hệ với cả TPHCM. Chẳng hạn, đối với tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì phải có quy hoạch thổng thể về thoát nước, du lịch… Hoặc giao thông của quận 3 không chỉ phục vụ riêng cho địa phương mà phục vụ cho TPHCM, là lối/ra vào khu lõi trung tâm.

* Chánh Văn phòng UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN:

Tính đủ, thậm chí dư cho người dân

Tùy vào nhóm đối tượng bị ảnh hưởng (trong số 40.000 người dân) mà có sự tính toán phù hợp. Chẳng hạn, đối với tiểu thương ở chợ Lê Văn Sỹ thì phải đảm bảo được việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất. Đối với bà con khác phải lưu ý đến đơn giá bồi thường, bố trí tái định cư và quyền lợi của những hộ mặt tiền… Sau khi chỉnh trang, nhà đầu tư sẽ khai thác lâu dài nên cần phải tính đúng, tính đủ và tính dư cho người dân, để người dân thỏa mãn hơn.

Phạm vi đề xuất thực hiện đột phá chỉnh trang đô thị ở quận 3 là khá rộng, cần tính toán thu hẹp lại. Bởi lẽ, phạm vi lớn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người dân, trong khi họ có mức sống khác nhau nên sẽ gặp khó khăn trong thực hiện.

* Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM TRƯƠNG TRUNG KIÊN:

                    Tái định cư chung cư liệu dân có đồng thuận?

Nếu chỉnh trang, sắp xếp tốt thì người dân sẽ ở lại sẽ không mất nhiều chi phí giải quyết tái định cư. Trường hợp chỉ tạo được 20% quỹ đất “thừa” thì với 110 ha chỉnh trang cũng có hơn 20 ha đất cho nhà đầu tư. Giá trị đất ở quận 3 hiện rất cao nên nhà đầu tư cũng không bỏ nhiều chi phí giải quyết tái định cư.

Việc chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao cuộc sống người dân; những con hẻm ngoằn ngoèo sẽ rộng hơn. Tuy nhiên, ý tưởng của đơn vị tư vấn đề xuất bố trí tái định cư, dù giải quyết 100% nhưng tái định cư ở các căn hộ cao tầng, liệu điều này có được người dân đồng thuận? Trường hợp người dân không đồng ý tái định cư mà nhận tiền bồi thường, chi phí thực hiện sẽ rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi trong thực hiện.

Tin cùng chuyên mục