Giá bồi thường chưa sát giá thị trường
Báo cáo trước đoàn khảo sát, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn Nguyễn Anh cho biết, thời gian qua, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, huyện đã chú trọng pháp lý về ranh thu hồi đất, đảm bảo quy trình thủ tục trong từng dự án cụ thể. Đồng thời huyện chú trọng công tác vận động, tuyên truyền để đạt sự đồng thuận cao nhất của người dân.
Nhờ đó, công tác bàn giao mặt bằng đạt tiến độ được giao ở nhiều dự án như: Dự án xây dựng nút giao thông tại hầm chui An Sương; dự án nâng cấp, sửa chữa tỉnh lộ 9, đường Đặng Thúc Vịnh; dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký, đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu…
Đặc biệt, ngoài việc thu hồi đất thực hiện các dự án, huyện Hóc Môn cũng thực hiện tốt việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm. Qua hơn 20 năm triển khai, huyện đã vận động 72.844 hộ dân hiến 605.023m2 đất, đóng góp ngày công, hiện kim và vật liệu kiến trúc với tổng giá trị ước tính gần 940 tỷ đồng để đầu tư các công trình giao thông nông thôn, mở rộng các tuyến hẻm.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Hóc Môn hiện đang thực hiện các dự án xây dựng đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài; Đầu tư xây dựng đường Nam Thới 1; Đầu tư xây dựng đường Liên xã Thị trấn – Thới Tam Thôn; Xây dựng trường Tiểu học Mỹ Huề; Xây dựng trường THCS Đông Thạnh 1; Xây dựng trường THCS Thới Tam Thôn 1; Xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM… Ông Nguyễn Anh cho rằng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án nêu trên là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, phải có sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên đánh giá, cũng như trên toàn địa bàn TPHCM, đơn giá đất để bồi thường, hỗ trợ được xem là yếu tố mang tính quyết định của chính sách. Tuy nhiên hiện nay giá bồi thường cho người bị thu hồi đất chưa sát với giá thị trường, do người dân khi thực hiện các giao dịch khai không đúng giá thực tế. Từ đó, nhiều trường hợp người bị thu hồi đất không đồng thuận.
Với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn đi qua địa bàn huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết, đến nay do trên địa bàn huyện có 8 đồ án quy hoạch cần điều chỉnh và bổ sung, cập nhật Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 theo ranh dự án đã được chấp thuận. Vì vậy, việc bàn giao ranh giới dự án, tổ chức cắm ranh mốc để bước đầu xác định diện tích bị ảnh hưởng kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện dự án.
Từ đó, UBND huyện Hóc Môn kiến nghị Sở QH-KT cập nhật dự án Xây dựng đường Vành đai 3 vào quy hoạch chung thành phố, làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho các đồ án quy hoạch chung của huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng của huyện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, kiến nghị Sở TN-MT cập nhật đúng ranh dự án đã được thông qua tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Kết luận tại buổi khảo sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và đánh giá cao UBND huyện Hóc Môn đã thực hiện cơ bản công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động để có sự ủng hộ của người dân.
Chỉ ra những “bài học xương máu” khi các dự án không đảm bảo ranh, mốc khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, nảy sinh khiếu kiện, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đặc biệt đề nghị các sở ngành chủ động vào cuộc với huyện Hóc Môn nói riêng và các địa phương nói chung, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Theo đồng chí, trước hết cần làm tốt việc quy hoạch, xác định rõ ranh mốc thì địa phương mới làm tốt việc vận động người dân. Khi địa phương đi vận động, thông tin phải minh bạch, rõ ràng thì người dân mới an lòng chấp hành.
Bên cạnh đó, các sở ngành cũng phải chủ động vào cuộc trong việc thẩm định và xác định giá, có phương án tái định cư phù hợp.
Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện Hóc Môn có 43 dự án, trong đó có dự án trọng điểm như đường Vành đai 3. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý huyện Hóc Môn cần phát huy công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật nhà nước. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quy trình lấy ý kiến người dân, đánh giá tác động xã hội khi triển khai các công trình dự án. Ngoài ra, ngay từ khâu khu thập hồ sơ phải đầy đủ, cụ thể từng trường hợp, tránh việc lập hồ sơ không chặt chẽ từ ban đầu, “là tự mình làm khó mình”.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu huyện cần khảo sát của người dân về giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ người dân cập nhật, làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị ảnh hưởng giải tỏa 1 phần, người dân hiến đất mở rộng hẻm…
Để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị chủ đầu tư tăng cường nhân lực, huy động tối đa nhân công thi công tại công trường để sớm hoàn thành gói thầu Xây lắp và trang thiết bị. Bên cạnh đó, rà soát xem lại việc điều phối nguồn vốn, đảm bảo thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ngoài ra, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để kịp thời đưa vào vận hành.
Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 12 tầng và 2 tầng hầm; diện tích sử dụng đất 44.399,5m2, đáp ứng 1.000 giường và công suất phục vụ lưu bệnh là 500 giường hiện đại, chất lượng cao. Tổng mức đầu tư gần 1.895 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được gấp rút thi công hoàn thiện và dự kiến sẽ bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.