Khánh thành tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết 1954
SGGPO
Tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc; trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người.
Hơn 500 cán bộ tập kết, đi B và đại diện thân nhân của cán bộ tập kết, đi B thuộc 9 tỉnh, thành phố: TPHCM, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Tháp về dự lễ khánh thành. Ảnh: TÍN HUY
Sáng 29-10, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức lễ khánh thành Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết 1954; đồng thời bàn giao hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ tập kết, cán bộ đi B, triển lãm tài liệu lưu trữ “Cao Lãnh – Ra đi để trở về”.
Tham dự lễ khánh thành có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ và hơn 500 cán bộ tập kết, đi B cùng đại diện thân nhân của cán bộ tập kết, đi B ở 9 tỉnh, thành phố: TPHCM, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Tháp.
Ông Phan Văn Năm, ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xúc động nhớ về sự kiện 65 năm về trước. Ảnh: TÍN HUY
Công trình Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết 1954, được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 9-2017 trên khuôn viên 12.000 m2, thuộc phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nơi diễn ra sự kiện này vào 65 năm về trước.
Công trình do Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, với kinh phí xây dựng là 49 tỷ đồng, đến nay đã đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật với các hạng mục như: tượng đài và phù điêu, sân lễ đài, hồ nước, hệ thống cấp nước, chiếu sáng, bờ kè, san lấp mặt bằng, hoa viên cây xanh…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục Trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bàn giao hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ tập kết, cán bộ đi B. Ảnh: TÍN HUY
Bàn giao hồ sơ, kỷ vật cho các cán bộ tập kết, đi B. Ảnh: TÍN HUY
Ngày 29-10-1954, tại mảnh đất Cao Lãnh oai hùng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại, một cuộc chia tay để đoàn tụ - cuộc đưa tiễn đoàn quân, cán bộ, chiến sĩ cuối cùng lên tàu tập kết ra miền Bắc. Đây là một chủ trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc; riêng tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người.
Lãnh đạo Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghi thức mở băng khánh thành Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết 1954. Ảnh: TÍN HUY
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Đồng Tháp cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài hứa hẹn là điểm đến tham quan cho du khách trong và ngoài nước khi đến quê hương Đồng Tháp, đây còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Đồng Tháp cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TÍN HUY
Công trình còn là sự tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến trí tuệ và xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.