Báo SGGP ra đời chỉ 5 ngày sau khi thành phố Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM), nhằm đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố lúc bấy giờ. Trải qua 42 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể những người làm báo SGGP đã không ngừng nỗ lực, vượt khó, thể hiện bản lĩnh và vai trò, trách nhiệm của một tờ báo Đảng là “Đưa ý Đảng đến với lòng dân” và “Đưa lòng dân đến với Đảng”; góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và phát triển của thành phố và đất nước.
Đoàn viên, thanh niên Báo SGGP trao đổi trước Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ. Ảnh: Thái Bằng
Song song với nhiệm vụ chính trị, Báo SGGP cũng đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện nguồn thu nhằm đảm bảo kinh tế báo chí. Nhờ nguồn vốn tích lũy từ các hoạt động sản xuất kinh doanh và sự quan tâm, tiếp sức của Thành ủy TPHCM, Báo SGGP đã đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở khang trang hiện đại tại TPHCM cũng như tại các văn phòng đại diện.
Đặc biệt, sự kiện khánh thành Công trình Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ sau gần 6 năm triển khai xây dựng là ước mơ và là kết quả đóng góp to lớn về trí tuệ, công sức của các thế hệ làm báo SGGP. Tòa nhà có quy mô 17 tầng trên, 2 tầng hầm và 2 tầng lửng với diện tích sàn xây dựng gần 20.500m² trên diện tích khu đất hơn 1.500m²; được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016, trong đó báo dành 6 tầng làm trụ sở làm việc và khai thác cho thuê 11 tầng còn lại.
Dịp này, Báo SGGP cũng tổ chức ra mắt phiên bản mới Báo SGGP điện tử với 5 giao diện: Online tiếng Việt, Online tiếng Anh, Online tiếng Hoa, Online Đầu tư Tài chính và Online Thể thao. Phiên bản mới được đầu tư chương trình phần mềm và giao diện trên nền tảng công nghệ hiện đại, tương thích hoàn toàn với các trình duyệt mới trên tất cả các thiết bị, tích hợp được tất cả các loại truyền thông đa phương tiện, đáp ứng tốt yêu cầu xem - nghe - đọc của bạn đọc. Giao diện mới bắt mắt hơn, trực quan hơn, giúp bạn đọc thao tác dễ dàng trong việc tìm đọc tin bài trên báo.