Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Đến nay, Đan Mạch có 130 công ty hiện diện tại Việt Nam và nhà máy công nghệ may mặc được khánh thành là một ví dụ điển hình về hợp tác thương mại ngày càng tăng giữa Việt Nam và Đan Mạch. Việc thành lập tư cách pháp nhân và xây dựng nhà máy sản xuất tại An Giang diễn ra khi hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì vậy đây thực sự là món quà quý, đúng thời điểm”.
Cũng theo ông Nicolai Prytz, khi Nhà máy công nghệ may may mặc đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 1.200 lao động địa phương; đồng thời thu hút và đào tạo nguồn lao động tay nghề cao để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng; góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, với việc kiên định các mục tiêu phát triển, trong thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn tỉnh An Giang nói chung và các khu công nghiệp, khu kinh tế của khẩu trên địa bàn tỉnh nói riêng để triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Đến nay, tỉnh An Giang đã cấp 46 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8.200 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 4.900 tỷ đồng, có 34 dự án đã chính thức đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.