Hòn Tàu là dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Với vị trí chiến lược, Hòn Tàu đã được Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng trong 8 năm cuối cuộc chiến chống Mỹ, từ 1967 đến 1975.
>>> Video khánh thành Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu
Sáng nay, 20-10, tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành Di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu. Nơi đây là căn cứ địa chiến lược của quân và dân Quảng Đà.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
Hòn Tàu là một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gồm nhiều dãy nhiều núi hiểm trở, hang đá. Với vị trí chiến lược đó, Hòn Tàu đã được Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng trong 8 năm cuối cuộc chiến chống Mỹ, từ năm 1967 đến năm 1975.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng dự lễ khánh thành
Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, hoạch định chiến lược và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn cam go, ác liệt và gian khổ nhất trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà phát biểu tại lễ khánh thành
Với ý chí kiên cường, bất khuất, quân và dân Quảng Đà đã vượt qua chặng đường đầy thử thách để góp phần thay đổi cục diện trên chiến trường, giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng; góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng qua các thời kỳ dự lễ khánh thành
Xúc động phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, chia sẻ: Tháng 10-1967, Đặc khu ủy được thành lập. Với vị trí chiến lược của mình, Hòn Tàu được chọn làm căn cứ của cơ quan Đặc khu ủy, của Mặt trận 4 và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Đặc khu để chỉ đạo phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nguyên lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng dự lễ khánh thành
Với quyết tâm “tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968”, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương chỉ đạo tập trung huy động mọi lực lượng chuẩn bị nổi dậy từ đồng bằng đến miền núi.
Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thắp hương tại nhà bia Đặc khu ủy Quảng Đà
Căn cứ Hòn Tàu là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ các cơ quan, ban ngành đã anh dũng hy sinh, 15 đồng chí bị thương.
Đặc biệt, 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang đá là nơi ở và làm việc ở dốc Cây Khế, dưới chân Mặt Rạng vào sáng 22-5-1972.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang thắp hương tại nhà bia Đặc khu ủy Quảng Đà
Trước tình hình đó, biến đau thương thành hành động cách mạng, trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà đã vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hiệp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kìm để hoàn thành chiến dịch giải phóng TP Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thắp hương tại nhà bia Đặc khu ủy Quảng Đà
Di tích Hòn Tàu được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2012. Sau khi có quyết định xếp hạng di tích, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL phê duyệt và triển khai lập dự án phục dựng di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Di tích Hòn Tàu có vị trí xung yếu, cách xa khu dân cư, không có đường giao thông tiếp cận, do vậy để phục dựng và phát huy giá trị di tích Hòn Tàu phải làm đường giao thông nối liền từ đường ĐH8, xã Duy Sơn vào khu di tích với tổng số tiền 29 tỷ đồng. Trong quá trình phục dựng di tích, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 hạng mục nhà trưng bày, đón tiếp và tuyến đường nội bộ.
Hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà cơ bản đã hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc khu ủy (10-1967 - 10-2017).