Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: Những năm qua Long An tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị làm động lực; song song đó đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 9,11%/năm, riêng năm 2020 đạt 5,91%, bằng gấp đôi mức tăng trưởng chung của cả nước. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 dự án đầu tư trong nước được cấp phép, với số vốn đăng ký hơn 244.900 tỷ đồng; 1.100 dự án FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư gần 6,1 tỷ USD. Có thể nói, Long An đã bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động ở ĐBSCL và cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều ấn tượng nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ huyện đến tỉnh Long An năng động, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm đưa Long An tiến lên. Vì vậy, tỉnh có nhiều hình thức thu hút đầu tư phong phú, nhất là xã hội hóa nguồn lực chứ không chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước; một số hạ tầng quan trọng được xây dựng nhanh chóng. Tỉnh quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thủ tướng lưu ý: Chúng ta kêu gọi, thu hút đầu tư và các nhà đầu tư đã đến với mình, đến với Long An. Do đó địa phương phải luôn đồng hành, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở ngành cần sâu sát hơn, kịp thời quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phải luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, để mọi nhà đầu tư đến Long An đều có ấn tượng mạnh mẽ.
Cho rằng tiềm năng nông nghiệp, nông thôn của Long An còn rất lớn, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng hiện có, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế phát triển, chú trọng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao đời sống nông dân. Long An cũng cần thực hiện hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Chú trọng liên kết với TPHCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết phát triển vùng Đồng Tháp Mười, nhất là trong đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối và bố trí không gian phát triển phù hợp, bảo đảm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Long An phải đóng góp vào mục tiêu phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Thủ tướng khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các địa phương, nhất là những địa phương năng động, dám nghĩ, dám làm, có ý tưởng đột phá để tiến lên.
Tại buổi lễ, tỉnh Long An cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án, tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tới thăm Cảng quốc tế Long An và dự án Nhà máy điện LNG Long An. Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Lãnh sự Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ tại TPHCM và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia như GS Energy, Alibaba… đang có hoạt động đầu tư ở Long An. Đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, nhất là thành tích phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam. Lãnh đạo GS Energy, Alibaba bày tỏ tin tưởng vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam; cảm ơn Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong tiến trình làm thủ tục đầu tư tại Long An; đồng thời mong muốn tiếp tục tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. |