(SGGPO).- Chiều 21-6, tại TPHCM đã diễn ra lễ khánh thành và đưa vào sử dụng dự án Nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2. Dự lễ có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Phó Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Geert Vansintjan cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Dự án này có chiều dài 54km từ phao số 0 (cửa biển) đến khu vực Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) thuộc KCN Hiệp Phước, được UBND TPHCM phê duyệt ngày 20-4-2012 với tổng mức đầu tư 2.797 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tài trợ của Vương quốc Bỉ trị giá 76 triệu euro và 624 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách thành phố.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chiến lược biển Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh vè biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo. Chiến lược này cũng chỉ rõ lộ trình phát triển của các ngành kinh tế biển, như khai thác, chế biến dầu khí, đánh bắt thủy hải sản và du lịch biển... Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển phát triển đến năm 2020 định hướng 2030 cũng xác định phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu kĩ thuật để đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. TPHCM là một trong những trung tâm hàng hải lớn của Việt Nam. Do đó, cần thiết phải nhanh chóng đầu tư phát triển cảng biển để phát huy thế mạnh là khu vực kinh tế năng động đối với vùng Đông Nam Bộ, Nam Bộ và của cả nước nói chung. Dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 30.000 tấn đầy tải, tàu có trọng tải đến 70.000 tấn giảm tải lưu thông trên luồng. Đây là tiền đề cho việc phát triển của Thành phố hướng ra biển.
Ngoài mục tiêu kinh tế, dự án còn có ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của tổ quốc. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ thành phố đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối cảng biển khu vực, ứng dụng và phát triển công nghệ vận tsair tiên tiến, trong đó chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logictis để tạo thành hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn nhằm khai thác có hiệu quả tuyến luồng Soài Rạp.
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển TP, vận tải đường biển đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thương quốc tế của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định- TPHCM với các quốc gia và các khu vực trên thế giới. Để góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng và phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển”, đồng thời “Xây dựng Khu đô thị gắn với cảng biển, các khu công nghiệp và dịch vụ”. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực trong và ngoài nước để khẩn trương di dời hệ thống cảng biển ở khu vực nội thành đã quá tải và hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo an toàn cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Để xây dựng và phát triển Khu đô thị - Cảng công nghiệp Hiệp Phước với nhiệm vụ quan trọng là trung tâm cảng biển trong cụm cảng số 5, ưu tiên phát triển công nghiệp tàu thủy, du lịch, dịch vụ logistics và vận tải biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhằm tạo bước đột phá để phát triển TP hướng ra biển Đông. Với mục tiêu như trên, TP triển khai dự án nạo vét luồng Soài Rạp, với chiều dài 54 km từ phao số 0 (cửa biển) đến khu vực ngã 3 sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp của huyện Nhà Bè được sự hỗ trợ vốn ODA từ Chính phủ Bỉ, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan đã hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Dự án Nạo vét luồng Soài Rạp sớm đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP. Việc tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại Cảng Hiệp Phước sẽ tạo điều kiện di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành được nhanh hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước, hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hướng ra biển Đông. Trong thời gian tới, TP tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn chỉnh kết nối giao thông giữa các tuyến đường thủy nội địa với mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia theo quy hoạch (như đầu tư: đường vành đai, đường trục Bắc - Nam, các tuyến đường nội bộ, cao tốc, metro, monorail…), và nghiên cứu đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp - giai đoạn 3 đạt độ sâu luồng từ âm 11,5m đến âm 12 m, đảm bảo cho tàu 70.000 DWT (tấn) lưu thông an toàn.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương; đặc biệt là sự hỗ trợ vốn ODA từ Chính phủ Bỉ và các tổ chức tài chính quốc tế.
Tại lễ khánh thành, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam, TPHCM, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vận tải đã ủng hộ 1,8 tỷ đồng cho Quỹ “Vì Trường Sa - Tuyến đầu của Tổ quốc”.
Quốc Hùng