Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.
Biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa đặt tại Đường sách TP Thủ Đức có diện tích khoảng 20m2, chiều cao 3m, chiều ngang 0,8m. Đây không chỉ được xem là công trình mang ý nghĩa đánh dấu chủ quyền, mà còn là một biểu tượng thiêng liêng, thể hiện sự trân trọng và biết ơn quân - dân nơi biên cương hải đảo đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và sự bình yên cho Tổ quốc.
Nơi đây sẽ là một điểm đến tham quan lâu dài sau này, nhằm tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biên giới, biển, đảo, góp phần bồi đắp, xây dựng tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ thanh thiếu niên nói riêng và người dân nói chung.
Cùng với các không gian đang hiện hữu tại đường sách như Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bia đá lời dạy của Bác Hồ, bia lịch sử về tiểu sử Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tư, các không gian trưng bày, triển lãm sách và tư liệu, biểu tượng Hoa hướng dương…, công trình biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa sẽ trở thành một quần thể các "địa chỉ đỏ" đón nhiều các đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ chức, cơ quan, đoàn thể đến tham quan học tập, bồi dưỡng tình cảm tích cực hướng về những giá trị tốt đẹp của Bác Hồ, về lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục địa phương, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của đất nước.
Đặc biệt, khi hay tin Ban quản lý Đường sách TP Thủ Đức xây dựng công trình biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Ban Chỉ huy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã trao tặng đường sách 3 món quà ý nghĩa là khuôn cát trắng từ Trường Sa, cây bàng vuông và viên gạch Trường Sa. Cả 3 món quà đều được mang về từ Trường Sa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng, việc xây dựng biểu tượng Cột mốc xác định chủ quyền đảo Trường Sa của đất nước tại khuôn viên Đường sách TP Thủ Đức góp phần làm phong phú thêm hình thức tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Tôi mong rằng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Đường sách TP Thủ Đức sẽ là một địa chỉ được chọn để tổ chức chương trình, hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn TP Thủ Đức. Những hoạt động vừa có thể lồng ghép nhiều nội dung phù hợp với từng đơn vị, vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho mọi người khi tham quan, sinh hoạt tại không gian đường sách”, đồng chí Trần Hữu Phước nhắn nhủ.
Trong thời gian từ nay đến ngày 16-2, khi đến Đường sách TP Thủ Đức, bạn đọc và người dân có thể thưởng lãm những hình ảnh về Trường Sa thông qua lãm ảnh “Hướng về Trường Sa - Nhà giàn thân yêu”. Đây là bộ ảnh của 15 hội viên Hội Nhiếp ảnh TPHCM từ chuyến thực tế sáng tác tại Trường Sa.
Bộ ảnh ca ngợi những hình ảnh đẹp về Trường Sa, Nhà giàn DK1; hình ảnh quân và dân kiên cường bám đảo bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ Quốc. Các tác phẩm cũng ghi nhận cuộc sống của quân và dân trên đảo, nhà giàn; đồng thời phản ánh những tình cảm của người dân cả nước nói chung và người dân TPHCM với quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió.