Khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán

Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán được đặt tại khu đất 628-630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 để ghi nhớ những sự kiện lịch sử gắn liền với nơi này.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 21-12, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 tổ chức lễ khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán.

Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, quận 5 và các cựu chiến binh Tiểu đoàn 269 – đơn vị từng tham gia đánh trận Nhà đèn Chợ Quán trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 5 Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng cùng các đại biểu ôn lại lịch sử của Nhà đèn Chợ Quán. Theo đó, Nhà đèn Chợ Quán hay còn gọi là Nhà máy điện Chợ Quán khi xưa nằm trên bến Hàm Tử bên bờ sông Bến Nghé, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Đây là nhà máy điện quan trọng bậc nhất của Sài Gòn – Chợ Lớn, cung cấp năng lượng điện cho khu vực trung tâm Thành phố và một số vùng phụ cận.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đại biểu tại Lễ khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đại biểu tại Lễ khánh thành Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với sự phát triển của nhà máy, đội ngũ công nhân điện Sài Gòn – Chợ Lớn ra đời. Tháng 3-1930, Chi bộ đảng ở Nhà đèn Chợ Quán được thành lập. Chính từ Nhà đèn này, đã từng là nơi bùng nổ những cuộc đấu tranh của công nhân đứng lên chống lại sự bóc lột của thực dân Pháp. Đặc biệt, nơi đây từng chứng kiến cuộc chiến đấu hào hùng của Tiểu đoàn Quân giải phóng 269 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đến đầu những năm 2000, Nhà đèn Chợ Quán ngừng phát điện do chủ trương di chuyển các cơ sở công nghiệp trong nội thành ra ngoại ô. Năm 2012, Nhà máy điện Chợ Quán hoàn toàn chấm dứt hoạt động.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng cho biết, việc xây dựng Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán để ghi nhớ những sự kiện lịch sử gắn liền với Nhà đèn Chợ Quán. Sau hai năm triển khai với các bước xác minh tính lịch sử của Nhà đèn, lấy ý kiến các nhà khoa học và nhân dân về nội dung, phương án thiết kế, vị trí đặt bia, đến nay công trình đã hoàn thành.

Bia tưởng niệm Nhà đèn Chợ Quán được thiết kế với ý tưởng là “Dòng thời gian”, sử dụng hình ảnh turbine và ống khói của Nhà đèn và lá cờ để cách điệu thành văn bia và lư hương tưởng niệm. Tổng kinh phí xây dựng bia tưởng niệm là 6 tỷ đồng, do Công ty Bất động sản Sài Gòn Vi Na tài trợ.

Đại diện Ban liên lạc Tiểu đoàn Quân giải phóng 269, ông Châu Văn Hòa bày tỏ xúc động khi tham dự buổi lễ. Theo ông Hòa, trong trận đánh vào khu vực Nhà đèn Chợ Quán năm 1968, tiểu đoàn của ông tham gia với hơn 30 người, nhưng chỉ còn hai người sống sót. Những người lính đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống ở khu vực này.

Bia tưởng niệm được đặt ở vị trí 628-630 Võ Văn Kiệt (phường 1, quận 5, TPHCM). Bia ghi rõ: “Nơi đây, năm 1896, Nhà đèn Chợ Quán được khởi công xây dựng, dần trở thành một trong những nhà máy nhiệt điện lớn và đầu tiên ở Việt Nam, cung cấp nguồn điện cho Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và một số vùng phụ cận.

Cùng với sự ra đời, phát triển của đội ngũ công nhân, năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Nhà đèn Chợ Quán thành lập, có những đảng viên là công nhân ưu tú từng hoạt động trong Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng lãnh đạo và trong các tổ chức yêu nước khác. Từ đây, công nhân liên tục đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và chống thực dân, đế quốc.

Từ Nhà máy, thợ điện Nguyễn Văn Trỗi cùng hàng trăm công nhân tham gia lực lượng Biệt động Thành, Công đoàn Giải phóng và các tổ chức kháng chiến khác tại Sài Gòn – Gia Định. Cũng tại đây, nhiều chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 269 Quân Giải phóng anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tháng 4-1975, công nhân nổi dậy làm chủ Nhà máy, giữ dòng điện liên tục cho Thành phố Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày miền Nam giải phóng, công nhân Nhà đèn Chợ Quán khắc phục khó khăn, vận hành đảm bảo nguồn điện sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi chấm dứt hoạt động vào năm 2012”.

Tin cùng chuyên mục