Tổng mức đầu tư bệnh viện là 345 tỷ đồng, diện tích xây dựng hơn 17.000m2 trên phần đất rộng 64.500m2.
Phát biểu trong lễ khánh thành, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ được đầu tư xây dựng mới với các trang thiết bị y tế hiện đại: hệ thống nội soi phẫu thuật, hệ thống chẩn đoán hình ảnh cao cấp, hệ thống máy CT-scan, hệ thống xét nghiệm đầy đủ để phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viện có 3 phòng mổ chuẩn mực mà nhiều bệnh viện ngay trong trung tâm TPHCM cũng chưa “xịn” bằng. Hệ thống cấp cứu được trang bị máy thở, máy siêu âm, máy monitor theo dõi các dấu hiệu sinh tồn…
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Cần Giờ có 4 phòng khám chuyên khoa: da liễu, mắt, tai – mũi - họng, răng - hàm - mặt do 4 bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai – mũi – họng và Bệnh viện răng – hàm – mặt TPHCM trực tiếp phụ trách.
Riêng khối nội trú, Bệnh viện huyện Cần Giờ tập trung vào 4 khoa nội trú: nhi, phụ sản, ngoại, cấp cứu – hồi sức tích cực chống độc và 4 khoa này được trực tiếp đảm bảo bởi 3 bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Cùng với đó, 7 trạm y tế ở 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng được đầu tư khang trang lại, phát triển y tế gia đình, đảm bảo người dân được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng như bệnh viện tuyến huyện.
40 năm trước, ngày 29-12-1978, huyện Duyên Hải (tỉnh Đồng Nai) chính thức sáp nhập về TPHCM và đến ngày 18-12-1999, huyện Duyên Hải TPHCM được đổi tên thành huyện Cần Giờ.
Cần Giờ hôm nay hoàn toàn thay đổi diện mạo, từ mảnh đất kiên cường nhưng hoang tàn, trơ trụi, khét mùi bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh, nay cả 7 xã, thị trấn của huyện đã xanh ngát rừng dự trữ sinh quyển của thế giới. Các xóm làng nối liền đường điện, giao thông, nước sạch, trường học, bệnh viện, các công trình an sinh xã hội tươi mới và các Đồn trạm biên phòng vững chắc bảo vệ tuyến biển, cảng sông quan trọng của TPHCM.