Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động trước sự kiện lần đầu tiên khánh thành cùng lúc 4 dự án giao thông trọng điểm, với tổng đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, cũng như sự có mặt của 20 chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thủ tướng vui mừng vì 4 công trình được đưa vào khai thác hôm nay, góp phần nâng cao kết quả từ đầu nhiệm kỳ, tạo điều kiện hoàn thành và vượt mức mục tiêu đến 2025 có 3.000km cao tốc, đến 2030 có 5.000km.
Theo Thủ tướng, cả 4 dự án đều có chung đặc điểm: Có nhiều vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ; kinh phí đầu tư có hạn, phải huy động cả Trung ương, địa phương, tăng thu tiết kiệm chi, vốn phục hồi kinh tế và các nguồn vốn khác; khan hiếm vật liệu, giá cả biến động; nền đất yếu; thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, phải bảo vệ môi trường.
Dự án Cảng hàng không Điện Biên được khởi công vào tháng 1-2022. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là dự án chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Dự án thực hiện xây dựng: Đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m; sân quay 2 đầu; đường lăn nối; hệ thống đèn tiếp cận; sân đỗ với 4 vị trí đỗ máy bay.
Đồng thời, dự án cũng cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Với hạ tầng hoàn chỉnh, Cảng hàng không Điện Biên đã đủ tiêu chuẩn khai thác các dòng máy bay A320, A321, với sức chở 180 - 200 hành khách, thay vì chỉ khai thác được máy bay ATR72 với sức chứa chưa đến 100 hành khách. Hệ thống thông tin, thiết bị dẫn đường hiện đại cũng giúp máy bay có thể cất hạ cánh tại sân bay này trong điều kiện thường xuyên có mây mù, tầm nhìn hạn chế.
Hiện Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Việc nâng cấp, mở rộng cảng hàng không này góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Dự án cũng góp phần tăng cường kết nối giữa TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam với vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ khởi công từ cuối tháng 2-2021, với tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Đây là dự án được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 40km gồm: Tuyên Quang (gần 12km), Phú Thọ (hơn 28km), được đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m, vận tốc thiết kế 90 km/giờ.
Dự án được khánh thành, đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang đến TP Hà Nội chỉ còn gần 2 giờ đồng hồ so với gần 3 giờ trước đó.
Tuyến cao tốc được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong hình thành trục kết nối nhanh từ Thủ đô Hà Nội qua Tuyên Quang, đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) sang Trung Quốc.
Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong khu vực.
Dự án có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, khớp nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án có tổng chiều dài 6,61km. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cầu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (6 làn xe). Cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng lớn nhất hoàn toàn do nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công (không có yếu tố nước ngoài).
Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ, riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn, thiết kế với vận tốc 80km/giờ.
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: "Dự án cầu Mỹ Thuận 2 được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng với sự quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công dự án đã đảm bảo tiến độ đề ra".
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1), có vốn đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng từ ngân sách, tổng chiều dài 22,97km, khởi công ngày 4-1-2021, đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có điểm đầu tại Km107+363 (thuộc phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337 (thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), kết nối Quốc lộ 1A tại nút giao Chà Và (đầu đường dẫn cầu Cần Thơ).
Dự án do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có quy mô 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, toàn dự án có 3 nút giao.
Sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, cùng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là niềm vui, phấn khởi và kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và toàn vùng ĐBSCL.