Khánh Hòa nỗ lực đưa trẻ em vùng khó khăn tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.

Cụ thể, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2025, 94,6% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo thuộc các huyện nghèo, vùng ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), trong đó duy trì 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi.

9820b29461e7cab993f6-3725-4586.jpg
Khánh Hòa hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn tiếp cận GDMN có chất lượng. Ảnh: CÔNG NHÂN

Hàng năm, toàn bộ trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn sẽ được nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đặt mục tiêu đến năm 2030 không còn phòng học nhờ, phòng học tạm. Xây dựng mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của địa phương, xây dựng thư viện, bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời và trong lớp.

Trước đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã thông qua nghị quyết phê duyệt Đề án Sữa học đường tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Theo đó, từ năm 2024-2030, tất cả trẻ em đang theo học tại các nhà trẻ, trường mầm non tại 2 huyện miền núi này sẽ được hỗ trợ uống sữa tại trường, với tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng.

b76090d543a6e8f8b1b7-5649-4628.jpg
Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 không còn phòng học nhờ, phòng học tạm. Ảnh: CÔNG NHÂN

Khánh Hòa đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn, tăng cơ hội cho trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.

Đây là những nỗ lực của Khánh Hòa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn, thực hiện tốt các chương trình chính sách an sinh xã hội, nâng cao trình độ dân trí, xóa bỏ mù chữ tại các miền núi, vùng có đồng bào DTTS sinh sống.

Tin cùng chuyên mục