Tuần lễ Thế giới phòng chống kháng thuốc (từ ngày 18 đến ngày 24-11)

Kháng thuốc ở mức báo động

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh, mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc của người dân, nhân viên y tế.

Thói quen lạm dụng kháng sinh

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhà thuốc P.C. trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM), nhiều người dân chỉ mới có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi khi thời tiết chuyển mùa là đã tự mua các loại kháng sinh về uống. Anh Nguyễn Huy Hoàng (36 tuổi, ngụ phường Cô Giang, quận 1) cho biết, kháng sinh có tác dụng rất nhanh trong việc chặn đứng những triệu chứng như đau đầu, sổ mũi… Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh thì anh Hoàng tặc lưỡi: “Thuốc không bổ ngang cũng bổ dọc, hết bệnh là khỏe rồi!”.

Thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, gần đây xuất hiện nhiều ca nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Điển hình như trường hợp cụ ông 80 tuổi (ngụ TPHCM), nhập khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi nặng và kháng kháng sinh. Cụ ông này được chỉ định dùng kháng sinh thế hệ mới nhưng không đáp ứng, phải phụ thuộc thở máy và tiếp tục bị kháng kháng sinh nên bệnh viện phải cho sử dụng loại kháng sinh khác. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến ông phải điều trị kéo dài.

W4a.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc cho bệnh nhân

TS-BS Phạm Minh Huy, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin, với người bệnh đa kháng thì mỗi ngày phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm hơn 20 triệu đồng. Cộng với các chi phí khác, số tiền điều trị lên đến vài tỷ đồng. Hầu hết trường hợp chuyển viện đến Khoa Hồi sức cấp cứu là người bệnh nặng, suy giảm miễn dịch, lớn tuổi, nhiều bệnh nền và tỷ lệ kháng kháng sinh cao, có trường hợp kháng 2 đến 3 loại kháng sinh, có trường hợp toàn kháng. Với những trường hợp như vậy thì phải phối hợp nhiều loại kháng sinh, nhưng tỷ lệ điều trị thành công cũng không cao.

Theo các chuyên gia y tế, hệ thống miễn dịch của cơ thể có chức năng chống các tác nhân bất thường xâm nhập; đồng thời ghi nhớ để giúp nhận diện nhanh, mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn khi tác nhân đó xâm nhập lần sau. Khi dùng kháng sinh bừa bãi, nghĩa là đã loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch. Nếu có vi trùng, vi khuẩn xâm nhập, sử dụng kháng sinh thì kháng sinh sẽ tiêu diệt, trong khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chưa kịp nhận diện. Vì vậy, khi vi trùng hay vi khuẩn tấn công lần sau, hệ miễn dịch chưa được ghi nhớ để chống lại. Lâu dần, cơ thể sẽ phụ thuộc vào kháng sinh, mất khả năng tự chống đỡ.

Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới, kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm. GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam và đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Sự xuất hiện của các vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt có những vi khuẩn kháng hết các loại kháng sinh hiện hành, làm cho việc điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nói chung và nhiễm khuẩn trong bệnh viện nói riêng trở nên phức tạp hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng tỷ suất bệnh tật, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, việc điều trị kháng sinh không thích hợp (gồm cả việc điều trị không đủ liều, việc lạm dụng kháng sinh) là một thực tế đang diễn ra hàng ngày, làm tăng gánh nặng chi phí điều trị, tăng tần suất các phản ứng ngoại ý của thuốc, làm gia tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Tổ chức Y tế thế giới dự tính, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hoặc chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong và kháng kháng sinh có thể coi là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

GS Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế vừa phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc trong y tế” giai đoạn 2024-2025. Mục tiêu của kế hoạch là làm chậm sự tiến triển của kháng thuốc, kiểm soát sự lây lan của các vi khuẩn kháng thuốc, đồng thời đảm bảo cung cấp và sử dụng hợp lý các loại thuốc kháng sinh. Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể: 100% các tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng chống kháng thuốc được phê duyệt và cấp ngân sách triển khai; tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng chống kháng thuốc ở người trưởng thành đạt ít nhất 50% và ở nhân viên y tế đạt 60%. Đặc biệt, hệ thống giám sát sẽ được mở rộng, với sự tham gia của 50% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một bệnh viện tham gia.

Screenshot 2024-11-23 055250.png

Tin cùng chuyên mục