Ngày 8-9, Viện KSND TPHCM cho biết đã có văn bản kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm, xét xử bị cáo Lại Văn Hoài (sinh năm 1983, quê tỉnh Vĩnh Long) cùng đồng phạm về tội "Giết người".
Theo bản án sơ thẩm, anh Trần Văn Hóa (sinh năm 1982, quê tỉnh Long An) có hành vi trộm cắp tài sản, bị bắt tạm giam và bị đưa vào buồng giam A4 của Nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh, TPHCM.
Trong buồng giam này, Lại Văn Hoài tự xưng là trưởng buồng, tự đặt ra những "luật ngầm" trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngày 19-1-2013, trong lúc tắm rửa, anh Hóa sơ ý đưa bàn tay dính xà bông vào bồn nước. Lập tức Hoài ra lệnh cho 10 can phạm khác trong buồng giam lôi anh Hóa ra khỏi nhà tắm rồi lao vào đánh, đá tới tấp.
Đến giờ cơm, Hoài không cho anh Hóa ăn. Khi nạn nhân mệt, thở dốc thì Hóa mới báo quản giáo của nhà tạm giữ đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong vào tối cùng ngày.
Ngày 22 và 23-8-2017, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án. Đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu nhận định: bị cáo Lại Văn Hoài là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Bị cáo Hoài đã kích động những người khác tấn công vào những vùng trọng yếu trên cơ thể khiến nạn nhân tử vong. Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tử hình đối với Hoài, từ 8 năm tù đến tù chung thân đối với 10 bị cáo đồng phạm khác về tội "Giết người".
Tuy nhiên, hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt bị cáo Lại Văn Hoài mức án 15 năm tù, 10 bị cáo đồng phạm từ 5 năm tù đến 14 năm tù cùng về tội "Cố ý gây thương tích".
Trong văn bản kháng nghị, Viện KSND TPHCM nêu rõ: Có cơ sở xác định các bị cáo nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả xảy ra, thực tế nạn nhân đã tử vong. Khi nạn nhân chết, các bị cáo đã bàn bạc cách khai nhận để đối phó cơ quan chức năng; cho thấy các bị cáo không ăn năn, hối cải về hành vi của mình. Việc hội đồng xét xử tuyên các bị cáo phạm tội "Cố ý gây thương tích" và áp dụng hình phạt như trên là không có căn cứ, mức án quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ cũng như hậu quả xảy ra; không có tác dụng răn đe, phòng người chung với xã hội.