Ngày 21-11, Hội Truyền nhiễm TPHCM phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tổ chức Hội thảo “Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc tại TPHCM”.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, hiện vấn đề kháng kháng sinh đang là thách thức rất lớn cho loài người và cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu. Tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.
Lý giải về nguyên nhân cơ bản dẫn đến tính trạng kháng thuốc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra thường xuyên (88% người dân sử dụng thuốc không cần kê toa); sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng hướng dẫn của cán bộ y tế; kê đơn thuốc không hợp lý; lây truyền vi khuẩn kháng thuốc từ người sang người ở các cơ sở khám chữa bệnh; từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện gây tồn dư thuốc...
Mặc dù kháng kháng sinh đang trở thành vấn đề đáng báo động, tuy nhiên quá trình nghiên cứu, sử dụng kháng sinh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Từ rất nhiều loại thuốc kháng sinh mới đến nay còn rất ít loại có thể đặc trị bệnh. Với loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay gần như đều hết tác dụng (kháng khoảng 80%).
“Nếu như trước đây vòng đời kháng sinh kéo dài nhiều thập niên, nay vòng đời ngày càng ngắn, chỉ còn khoảng 5 năm và có xu thế ngày càng ngắn lại. Trong tương lai các quốc gia có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo.