Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; đại diện lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM và Ban Tuyên giáo các quận huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức, Đảng ủy cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ TPHCM.
Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chủ trì tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh đến giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (tác phẩm) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TPHCM trong việc nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong hơn 90 năm qua, đặc biệt là hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu
Mở đầu trong phần tham luận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực dẫn chứng một luận điểm trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về chủ nghĩa tư bản thặng dư, đó là: “Tốc độ tăng thu nhập từ tài sản luôn luôn cao hơn, nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập từ người lao động”, suy ra: “Người giàu càng giàu hơn (giàu tuyệt đối), người nghèo càng nghèo hơn (nghèo tuyệt đối), không thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa hơn trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đó là quy luật".
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II đưa ra dẫn chứng về câu trả lời rõ ràng, dễ hiểu “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Khẳng định thêm cho luận điểm quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống lành mạnh cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có…”
Bổ sung vào sự khẳng định này, PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM đưa ra những câu trả lời trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa và đặt ra những vấn đề gì? Đó là: Sự kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là nhận thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nhận thức về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng và định hướng về những nhiệm vụ mà dân tộc ta phải giải quyết trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.
Gắn phát triển văn hóa, con người Việt Nam với không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Đề cập đến phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo quan điểm xuyên suốt trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nói về vai trò của “sức mạnh mềm”: Dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa…). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh trong tác phẩm về những vấn đề trọng tâm trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề đến quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải, các tham luận gửi đến tọa đàm đã nêu bật đến 5 nội dung, trong đó có các nội dung trả lời câu hỏi: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Qua đó làm sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đồng thời, phân tích và làm rõ hơn yêu cầu quan trọng của Đảng là phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị.
Các tham luận khi nói về những quan điểm trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên những luận điểm để đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: CAO THĂNG "Sau tọa đàm này, Ban Tuyên giáo các cấp, các cơ quan truyền thông phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TPHCM nắm và hiểu rõ hơn về chủ nghĩa xã hội, tin tưởng sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp thực tiễn Việt Nam. Qua đó, nhận thức đúng vị trí, vai trò của mỗi cá nhân cần phải đóng góp như thế nào cho quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước nói chung, phát triển TPHCM nói riêng”. PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM |