Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị "xẻ thịt" giữa rừng phòng hộ Vân Canh |
Văn bản do ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh này liên quan đến thông tin, bài viết trên Báo SGGP về hàng loạt cây rừng cổ thụ bị “xẻ thịt” giữa rừng phòng hộ, đăng ngày 20 và 21-3.
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với huyện Tây Sơn và huyện Vân Canh khẩn trương tiến hành điều tra, xử lý vụ việc, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 27-3.
Qua kiểm tra, đơn vị chức năng phát hiện 15 cây rừng giữ chức năng phòng hộ (đường kính theo báo cáo từ 15 – 50cm) bị tàn phá ở các lô: 8, 5, 12 thuộc Tiểu khu 316 thuộc sơn phận xã Canh Liên, huyện Vân Canh; cây rừng bị khai thác trái phép chủ yếu vào tháng 3-2023.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, qua nhận định ban đầu các đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép là người dân ở địa bàn huyện Tây Sơn.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, theo Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Trung ương và theo Luật Lâm nghiệp, để các đối tượng mang máy móc, công cụ vào rừng phòng hộ khai thác trái phép thuộc về chủ rừng. Ở đây, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh, thuộc UBND huyện Vân Canh.
Ngày 19-3, hiện trường vẫn còn lán trại nghi của lâm tặc bên suối Cố |
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định, ngay từ ban đầu chủ rừng đã biết có tình trạng khai thác gỗ rừng phòng hộ trái phép nhưng không kịp thời ngăn chặn. Đặc biệt, chủ rừng có đi kiểm tra, đánh dấu gỗ bị khai thác nhưng chậm báo cáo cấp trên để kịp thời xử lý…
Chủ rừng vẫn chưa có báo cáo?
Trao đổi về các nội dung trên, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (đang phụ trách BQLRPH huyện Vân Canh), cho biết đã có báo cáo nhanh lên Huyện ủy, UBND huyện Vân Canh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ hiện trường vụ việc.
Tuy nhiên, khi PV Báo SGGP liên hệ đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT tỉnh này đều cho biết, đến thời điểm này BQLRPH huyện Vân Canh vẫn chưa có báo cáo về vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép trên.
Về trách nhiệm chủ rừng, ông Cường cho biết: “Ngay từ tết khi phát hiện cây rừng phòng hộ bị phá sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã ban hành 3 kế hoạch truy quét, điều động lực lượng, tuyên truyền để ngăn chặn..."
Cây cổ thụ bị tàn phá vẫn còn dấu vết rất mới |
Mặc dù đã kiểm tra xịt sơn nhưng chủ rừng vẫn không báo cáo lên tỉnh để xử lý |
Kiểm lâm, công an, viện kiểm sát vào cuộc điều tra
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, đơn vị này đang đề nghị trưng cầu giám định lâm sản bị thiệt hại để có cơ sở tham mưu các cấp xử lý. Hiện, đơn vị này cũng đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Vân Canh, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện này để tiến hành khám nghiệm hiện trường, nếu có dấu hiệu tội phạm thì sẽ đưa vụ việc vào tin báo tội phạm để xử lý…