Khẩn trương xử lý nghiêm sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn
SGGPO
Ngày 31-7, phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các nội dung quan trọng trong Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, được tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm, tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Công thương, Tỉnh ủy Bình Định, Đồng Nai..., thanh tra, kiểm toán 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (đã kết thúc thanh tra tại 3 dự án); tiến hành thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (theo Kế hoạch số 04 - KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng).
Ban Chỉ đạo thống nhất 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2017, trong đó tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác này, nhất là ở địa phương, cơ sở; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; khẩn trương thanh tra, kết luận rõ ràng đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm; dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG); việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Những tháng còn lại trong năm, các cơ quan chức năng hoàn thành xét xử sơ thẩm 2/6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch; kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 10/12 vụ án, xử lý 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 4 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, nhất là các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh.
Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á; giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm; giai đoạn II vụ án Vũ Quốc Hảo; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc nêu trong Kết luận thanh tra dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ; dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Dung Quất; đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án khác thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc...
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tiếp tục đà của các năm trước và năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, cùng với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh, tiến triển theo chiều sâu, mang lại những kết quả rõ nét, đồng bộ hơn, đồng thời đã chú ý khắc phục hạn chế ở các bộ, ngành, địa phương. Hầu hết các công việc, chương trình kế hoạch đã đề ra đều được triển khai thực hiện nghiêm túc; các cơ quan phối hợp nhịp nhàng, vào cuộc quyết liệt hơn. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được tiến hành bài bản, có chương trình kế hoạch, phân công phân nhiệm rõ ràng, rõ đến đâu làm đến đó, huy động sức mạnh toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo thành phong trào, xu thế và điều quan trọng là qua đó rút ra những kinh nghiệm quý.
"Báo chí là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Về những kết quả nổi bật đã đạt được, Tổng Bí thư nêu rõ: Chúng ta đã hết sức coi trọng cả phòng và chống, trong đó có việc thông qua Bộ luật Hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản về kiểm tra giám sát, kê khai tài sản; đồng thời tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo hoạt động nề nếp, bài bản theo chương trình, kế hoạch; các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc tích cực, trách nhiệm. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong khâu phát hiện, giám định, điều tra; tiến độ xét xử còn chậm, chưa đạt yêu cầu; khâu thu hồi tài sản đã được chú ý nhưng số lượng tài sản thu hồi được còn ít. So với Trung ương, ở các địa phương đã có chuyển biến trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng chưa mạnh mẽ. Một số trường hợp xử lý hành chính chậm, chưa đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng; có ý kiến cho rằng mức xử lý còn nhẹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, cần tập trung thực hiện bằng được những phương hướng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo đã đề ra, nghiêm túc triển khai Bộ luật Hình sự, các văn bản, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Chính phủ về kiểm tra giám sát, kê khai tài sản; chú ý khâu phát hiện, giám định, thu hồi tài sản, khắc phục những tồn tại hạn chế; bảo đảm thực thi pháp luật, đồng thời với tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo Tổng Bí thư, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát. Tuy nhiên, báo chí cũng cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt.