Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh - từ tháng 7-2021 đến nay - Ban quản lý Nghĩa trang Đa Phước thu phí hơn 27 triệu đồng/trường hợp. Báo SGGP đã nhận đơn kêu cứu khẩn cấp của hơn 40 người có thân nhân qua đời trong đợt dịch bệnh vừa qua.
Trước đây, cộng đồng Hồi giáo có 3 nghĩa trang riêng biệt ở quận 3, quận 10 và quận Gò Vấp. Năm 1995, thực hiện việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, các nghĩa trang trên được giải tỏa. Theo giáo luật, tín đồ Hồi giáo khi qua đời phải được chôn cất trong ngày. Chính quyền TPHCM đã dành riêng cho cộng đồng Hồi giáo khu đất C3 thuộc Nghĩa trang Đa Phước. UBND TPHCM có công văn chỉ đạo việc không tính tiền chuyển nhượng đất mộ và thống nhất chủ trương chấp thuận chi phí mai táng người chết thuộc cộng đồng Hồi giáo là 2 triệu đồng cho một phần mộ.
Ông Lý Du Sô, Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM, cho biết: “Từ năm 2005 đến nay, việc mai táng tín đồ Hồi giáo tại khu C3 Nghĩa trang Đa Phước diễn ra bình thường. Từ tháng 7-2021, số tín đồ Hồi giáo qua đời tăng đột biến do bệnh nền, sức khỏe, tuổi cao… Trong thời gian này, Ban quản lý Nghĩa trang Đa Phước đã tổ chức thu rất thất thường. Theo ghi nhận, có 49 trường hợp tạm thu với số tiền là 27.396.000 đồng/trường hợp, chỉ có 4 trường hợp được thu 2 triệu đồng/trường hợp. Việc thu thất thường trong thời gian dịch bệnh diễn ra đã gây thêm khó khăn cho tín đồ Hồi giáo”. Tại Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM, chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Đa, cư ngụ phường 1, quận 8. Bà Đa kể: “Tôi không phải người thân và cũng không khá giả gì. Tuy nhiên, chứng kiến trường hợp ông Ah Mách (73 tuổi) và bà Sa Ly Ro (70 tuổi) qua đời, tôi quá thương cảm nên đứng ra cùng với bà con chòm xóm lo hậu sự. Tôi bàng hoàng khi nhận giấy báo chi phí mai táng. Bởi lẽ, trước nay người Hồi giáo qua đời chỉ đóng chi phí mai táng 2 triệu đồng. Tôi phải “vay nóng” ở bên ngoài xã hội để kịp đóng tiền mai táng cho 2 đám tang này!”.
Ngày 14-12, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TPHCM đã có văn bản 948/BTG-NV1 về việc liên quan chi phí mai táng người chết thuộc cộng đồng Hồi giáo TPHCM tại Nghĩa trang Đa Phước. Công văn nêu rõ: “Các công văn của UBND TPHCM về hỗ trợ chi phí mai táng và chôn cất tín đồ Hồi giáo tại Nghĩa trang Đa Phước đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành, chưa có văn bản nào thay thế. Đề nghị Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM rà soát danh sách cụ thể từng trường hợp, trong đó có ghi rõ những trường hợp hộ gia đình khó khăn, hộ diện xóa đói giảm nghèo, hộ cận nghèo… Đồng thời liên hệ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM để đối chiếu và hoàn lại khoản thu chênh lệch; sớm giải quyết ổn thỏa theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM”.
Về vấn đề này, ông Lý Du Sô cho biết thêm: “Chúng tôi đã có văn bản gửi lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (đơn vị đang quản lý Nghĩa trang Đa Phước) để tổ chức cuộc họp giải quyết vụ việc, nhưng chưa thực hiện được”. Việc dành phần đất cho tín đồ Hồi giáo và không tính tiền chuyển nhượng đất mộ là chủ trương rất hợp tình, hợp lý của chính quyền TPHCM. Hơn 15 năm nay, việc chôn cất diễn ra bình thường, do vậy, không lý gì Ban quản lý Nghĩa trang Đa Phước tính toán lại chi phí. Đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cả nước, người dân TPHCM nói chung và cộng đồng Hồi giáo nói riêng.