Khẩn trương ứng phó bão số 7

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, sáng 8-11, cơn bão Yinxing đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7.

Khẩn trương ứng phó bão số 7

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT đến chiều 8-11, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 7 tại các địa phương đang được triển khai khẩn trương. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm và hướng dẫn cho 69.704 phương tiện với 312.506 người về diễn biến và hướng đi của bão. Tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, có 87 tàu cá với 582 ngư dân đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ GTVT cũng đã kiểm tra, giám sát 909 tàu, bao gồm 441 tàu biển và 498 phương tiện thủy nội địa, trong khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 151.855ha, với 192.153 lồng bè và 3.003 chòi canh, đang được theo dõi và bảo vệ để giảm thiểu thiệt hại do bão. Đối với hệ thống hồ chứa, các tỉnh từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ đều có các hồ thủy điện và thủy lợi phải điều tiết nước qua tràn.

Trong đó, tại khu vực Bắc Trung bộ, có 6 hồ thủy điện xả tràn, trong khi các hồ thủy lợi tại đây đạt từ 76% đến 95% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, có 145 hồ chứa đã xuống cấp và 52 hồ đang thi công, gây lo ngại về khả năng cắt lũ hiệu quả. Tại khu vực Nam Trung bộ, 4 hồ cũng đang xả tràn và 26 hồ bị hư hỏng.

Các địa phương cũng đang tích cực theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ lúa mùa ở Nam Trung bộ. Tính đến nay, khu vực có thể ảnh hưởng bởi bão số 7 đã thu hoạch được 46.047ha, trong khi 71.531ha vẫn chưa thu hoạch, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.

Screenshot 2024-11-08 204929.png
Đường đi của bão số 7, lúc 17 giờ ngày 8-11. Ảnh: TTXVN

* Chiều 8-11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, đơn vị thành viên đã họp trực tuyến cùng các địa phương triển khai giải pháp ứng phó sớm với cơn bão số 7. Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo, thời điểm bão mạnh nhất là chiều 8-11 (giật trên cấp 15), nhưng theo nhận định thì bão có thể yếu dần.

Dự báo, khoảng từ ngày 10 đến 11-11, bão bắt đầu tác động đến vùng biển Trung bộ. Vào ngày 13-11, khi bão gần bờ, sẽ gặp không khí lạnh khô và nước biển lạnh, nên có thể giảm cường độ và có thể chuyển thành áp thấp. Mặc dù vậy, chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo các địa phương không thể chủ quan. Dù bão có giảm thành áp thấp nhưng vẫn có thể tương tác với không khí lạnh, gây ra những nguy cơ nếu không cảnh giác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện nay có sự khác biệt giữa các mô hình dự báo về đường đi, cường độ và thời gian bão đổ bộ. Song cơ bản các mô hình đều chung nhận định bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung bộ, nơi vừa phải chịu 3 đợt thiên tai liên tiếp trong 10 ngày qua.

Ông Hiệp nhấn mạnh các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị đã chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhiều nơi vẫn chưa thể khắc phục xong. “Ba đợt thiên tai vừa rồi gây mưa lụt lớn, người dân đã rất mệt mỏi. Trong đó, nhiều người dân vừa mới trở về nhà sau những đợt lũ, nếu bão số 7 tiếp tục đổ bộ, bà con lại phải tiếp tục sơ tán”, Thứ trưởng chia sẻ.

Về tình hình hồ chứa, Thứ trưởng cho biết, trong cơn bão số 6, ông không lo ngại về sự an toàn của hồ chứa vì mực nước còn thấp, chỉ đạt khoảng 30%-40% dung tích. Tuy nhiên, hiện tại nhiều hồ chứa đã gần đầy (đạt bình quân khoảng 85%) và nhiều hồ đang phải xả tràn. Điều này khiến khả năng cắt lũ giảm và gây khó khăn cho việc điều tiết nước.

Để ứng phó với cơn bão số 7, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện ngày 7-11 của Thủ tướng Chính phủ và những nội dung mà ông đã nêu ra tại cuộc họp này. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến tâm lý chủ quan hoặc mệt mỏi của người dân.

Hiện tại, khi bão chưa vào và thời tiết còn thuận lợi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tập trung nhân lực để khắc phục nhanh hậu quả của 3 đợt mưa lũ vừa qua. Đồng thời, cần đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ chứa, tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ đạo Cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tiếp tục rà soát và tính toán vận hành hồ chứa sao cho hợp lý, đảm bảo cắt lũ hiệu quả mà không để xả quá tay, vì theo dự báo, sau mưa lũ thì miền Trung sẽ bước vào mùa khô hạn. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các địa phương để tính toán thật kỹ lưỡng, tránh những tác động không mong muốn.

Tin cùng chuyên mục