Dự báo bão số 3 tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực vịnh Bắc bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ nước ta.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Các địa phương khu vực miền núi chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ...
Chủ tịch UBND các tỉnh thành liên quan căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch. Các địa phương khu vực miền núi chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Trưa 3-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành công điện yêu cầu Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy của hồ thủy điện Tuyên Quang vào lúc 14 giờ cùng ngày. Công điện này được ban hành sau khi mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang vào lúc 8 giờ ngày 3-9 đạt cao trình 117,49m và lưu lượng nước đến hồ là 827m3/giây. Bộ NN-PTNT cũng ban hành công văn khẩn gửi UBND các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và bảo đảm an toàn cho công trình cùng các hoạt động ven sông.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sáng 3-9, tâm bão Yagi đã đi vào Biển Đông và trở thành bão số 3. Đến chiều 4-9, tâm bão sẽ cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 700km về phía Đông. Lúc này, cường độ bão dự kiến đạt cấp 11, giật cấp 13. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được dự báo nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 17 và phía Đông kinh tuyến 115. Sau đó, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ từ 10-15km/giờ, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 390km về phía Đông vào chiều 5-9. Tại thời điểm này, bão có thể mạnh lên cấp 13, giật cấp 16. Sau đó, bão sẽ tiếp tục đổi hướng di chuyển sang Tây - Tây Bắc với tốc độ 10-15km/giờ và đến chiều 6-9 sẽ hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Cường độ bão được dự báo mạnh lên cấp 14, giật cấp 17. Sau thời điểm bão đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ sẽ tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây - Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/giờ nhưng cường độ bão ít thay đổi và có xu hướng giảm dần sau đó.
Trong khi Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia của Việt Nam nhận định bão Yagi sẽ di chuyển vào vịnh Bắc bộ với cường độ có xu hướng giảm dần, các trung tâm khí tượng quốc tế của Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu lại có những nhận định khác biệt. Cụ thể, các mô hình dự báo của cơ quan khí tượng châu Âu (ECMWF), Hoa Kỳ (NOAA) và Nhật Bản (JMA) cho thấy bão Yagi có thể mạnh lên sau khi vượt qua đảo Hải Nam, thậm chí có khả năng tiến sâu vào đất liền Bắc bộ và Bắc Trung bộ của nước ta. Ngày 3-9, các mô hình dự báo của Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu đều ghi nhận bão đã mạnh lên nhanh chóng và có khả năng tiếp tục tăng cường độ lên đến cấp 13, giật cấp 16 và bão sẽ đạt cường độ tối đa khi tiến vào vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
* Ngày 3-9, Đài Khí tượng - Thủy văn Nam bộ cho biết, dự báo trong 2 ngày tới (ngày 4 và 5-9), do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió cấp 4-5; độ cao sóng 1,5-3,0m. Ở hai vùng biển trên có mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy, biển động dữ dội; cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp để giúp nông dân bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp; đồng thời tăng cường tuyên truyền, thông tin diễn biến của bão để người dân chủ động ứng phó.
Ngày 3-9, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chương trình “Ngày về thôn bản” giúp người dân thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới thu hoạch lúa vụ hè thu. Thiếu tá Võ Xuân Minh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, cho biết, thời tiết khắc nghiệt, ngày nắng nóng, tối mưa dông cùng địa hình đồi núi hiểm trở, lại chưa có máy móc hỗ trợ nên việc thu hoạch lúa của người dân ở Lâm Đớt gặp nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ đồng bào, nhất là các gia đình chính sách, gia đình neo đơn nên đơn vị huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ tranh thủ ngày nghỉ lễ Quốc khánh ra đồng thu hoạch lúa nhằm giảm thiệt hại do mưa bão số 3 gây ra.
Từ cuối tuần qua, bão Yagi kết hợp với gió mùa Tây Nam đã gây ra những trận mưa như trút nước, kéo theo lũ lụt nghiêm trọng ở thủ đô Manila của Philippines và các tỉnh lân cận. Lở đất đã nhấn chìm nhà cửa và chôn vùi nhiều làng mạc, cướp đi sinh mạng của 14 người.
Trong khi đó, ngày 3-9, chính quyền tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, kích hoạt phản ứng khẩn cấp mức 4 khi cơn bão Yagi, cơn bão thứ 11 trong năm nay, chuẩn bị đổ bộ vào bờ biển của tỉnh này.