Trên vướng cầu, dưới luồng cạn
Cà Mau là địa phương có hệ thống sông rạch chằng chịt, trên địa bàn tỉnh có 62 tuyến chính với tổng chiều dài 1.185km; trong đó, 13 tuyến do Trung ương quản lý dài hơn 258km, 15 tuyến do tỉnh quản lý dài 362km, 34 tuyến do huyện quản lý dài hơn 564,4km. Ngoài ra, còn khoảng 7.200km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải thủy; tuy nhiên, chủ yếu phục vụ vận chuyển nông sản, hàng hóa nhỏ lẻ của người dân.
Trong những năm qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa ở Cà Mau còn khiêm tốn. Ngoài một số tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý như: tuyến sông Ông Đốc đoạn từ ngã ba Tắc Thủ đến Khánh Bình (qua kênh Lương Thế Trân khoảng 3km), kênh Bạc Liêu - Cà Mau, sông Gành Hào (đoạn từ ngã ba kênh Lương Thế Trân đến Hòa Trung), sông Bảy Háp (đoạn từ Hòa Trung đến Tân Hưng) và một vài đoạn sông do tỉnh quản lý như sông Gành Hào… được đầu tư nạo vét luồng, thì hầu như vận tải thủy khai thác ở mức tận dụng mạng lưới sông rạch tự nhiên. Do đó, một số tuyến luồng bị cạn và hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận tải.
Kênh Nguyễn Văn Tiếp là tuyến giao thông đường thủy chiến lược ở vùng Đồng Tháp Mười, là tuyến kênh “xương sống” kết nối huyện Tân Phước (Tiền Giang) với các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. Ông Võ Văn Xê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, kể: Vào những năm 1990 trở về trước, cư dân sống ven tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp thưa thớt. Đến năm 1994, lưu lượng ghe tàu qua lại kênh này bắt đầu nhộn nhịp, mỗi ngày 400 - 500 phương tiện. Thương buôn vận chuyển nhiều loại hàng hóa từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… ra sông Vàm Cỏ Tây (Long An) sau đó lên TPHCM và ngược lại. Kênh Nguyễn Văn Tiếp phát triển, kéo theo đường sá dần mở rộng, thông thoáng. Cặp kênh khoảng 500m, ngành chức năng cho đào một con kênh nhỏ xẻ dọc vào, hình thành tuyến dân cư, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Quy hoạch thuận lợi là vậy, nhưng thực tế hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Huệ (kinh doanh vận tải thủy ở huyện Tân Phước), do lâu ngày thiếu đầu tư nên kênh Nguyễn Văn Tiếp bị cạn dần, cộng với nhiều cây cầu thấp bắc qua để phục vụ đường bộ, từ đó gây khó cho tàu ghe đi lại. Mặt khác, các phương tiện muốn qua kênh Nguyễn Văn Tiếp phải chờ ở âu tàu Rạch Chanh (đóng tại Long An), tốn nhiều thời gian mới vào được đến kênh.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) Trần Văn Niên cho biết: “Ở vùng biên giới này, kênh T5, T6, kênh Vĩnh Tế… đóng vai trò quan trọng vào phát triển sản xuất khu vực Tứ giác Long Xuyên. Ngoài việc dẫn nước ngọt, rửa phèn, thoát lũ… các tuyến kênh còn góp phần vận tải đường thủy kết nối nhiều tỉnh tại ĐBSCL, đi TPHCM và ngược lại rất hiệu quả. Vào mùa thu hoạch lúa, lưu lượng tàu ghe từ khắp mọi nơi đổ về đây thu mua lúa gạo và trao đổi hàng hóa rất sôi động. Thế nhưng, gần đây do ảnh hưởng lòng kênh cạn và nhiều cầu xây mới bắc qua kênh, nên tàu ghe thưa dần, nhường chỗ cho giao thông bộ phát triển”.
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư
Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, dù bản thân đường thủy có nhiều lợi thế, nhưng do thiếu đầu tư nên chức năng, vị thế ngày càng lép vế so với đường bộ. Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau Hồ Hoàn Tất cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh và Bộ GTVT các giải pháp gỡ khó cho giao thông thủy, như: Sớm nạo vét duy tu luồng hàng hải Năm Căn - Bồ Đề để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn theo thiết kế 5.000 tấn cập cảng Năm Căn; nạo vét duy tu luồng tuyến sông Tắc Thủ - Gành Hào để tàu có tải trọng 750 tấn cập cảng Cà Mau; đầu tư cảng thủy nội địa tổng hợp tại cửa sông Ông Đốc, dự kiến triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường thủy ở Cà Mau; phối hợp với Bộ GTVT nâng cấp tuyến vận tải thủy Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên; sớm lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án cảng biển Hòn Khoai…
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng đường thủy nội địa của Trung ương, cũng như phương án phát triển đường thủy của địa phương giai đoạn 2021-2030 và định hướng năm 2050, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ xác định thời gian, lộ trình triển khai cho từng vấn đề phù hợp, tranh thủ nguồn lực hiện có của địa phương và nguồn huy động khác, có sự phân kỳ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải thủy. Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Trần Ngô Minh Tuấn cho biết: Trước mắt, Đồng Tháp kiến nghị Trung ương đầu tư đồng bộ các tuyến đường thủy quốc gia hiện hữu, nâng cấp các tuyến, bến cảng theo quy hoạch nhằm phục vụ nhu cầu kết nối, giao thương thông suốt mang lại hiệu quả kinh tế. Khẩn trương nạo vét, nâng cấp các cầu đảm bảo chuẩn tắc luồng đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh (kênh Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Đồng Tiến - Lagrande, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Phước Xuyên…).
Về tuyến đường thủy TPHCM - Kiên Lương (Kiên Giang) nên có giải pháp khai thác hiệu quả nhằm chia sẻ với kênh Chợ Gạo quá tải, đặc biệt đoạn âu thuyền Rạch Chanh đến kênh Nguyễn Văn Tiếp. Đối với đường thủy, đường biển, hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, sông Tiền; đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa quốc gia xuyên Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên; nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nhằm kết nối sông Tiền, sông Hậu để giảm chi phí logistics.
Tại Tiền Giang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trần Văn Bon báo tin vui, mới đây, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư trên 1.336 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2023. Việc cải tạo toàn tuyến kênh Chợ Gạo có thể khắc phục một bước về tình trạng quá tải, nâng cao năng lực vận tải thủy kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM, Đông Nam bộ; đồng thời hỗ trợ cho khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL cho biết, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa về nạo vét, kết hợp thu hồi sản phẩm đối với một số tuyến sông, kênh bị cạn nhằm đảm bảo cho tàu ghe đi lại thuận lợi. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo, nâng cao năng lực các cảng, bến thủy nội địa. Cần kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở vùng ĐBSCL một cách tốt nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Trần Đỗ Liêm lưu ý, sau khi nâng cấp hoàn chỉnh tuyến kênh Chợ Gạo, việc tiếp theo là phải nghiên cứu tổng thể, có sự kết nối các tuyến kênh khác vào kênh Chợ Gạo để tạo cho giao thông thủy được liên hoàn. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường bộ kết nối vào tuyến kênh này, nhằm hình thành các bến cảng, khu vực logistics để tập hợp hàng hóa, dễ dàng xuất đi các cảng lớn. Ngoài những điều kiện tự nhiên thuận lợi thì để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy ĐBSCL cần phải đầu tư phương tiện, nguồn nhân lực, nhất là vốn.
Theo Bộ GTVT, để phát huy tối đa lợi thế giao thông đường thủy nội địa của khu vực, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến huyết mạch. Trong đó, ưu tiên việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chấp thuận bố trí 1.337 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025. Đồng thời, nghiên cứu triển khai dự án nạo vét, cải tạo Kênh Mương Khai Đốc phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu nhằm rút ngắn cự ly vận tải giữa cảng Cần Thơ về cảng biển khu vực Đông Nam bộ để giảm chi phí vận tải và logistics. Tập trung nguồn lực cải tạo khoang thông thuyền các cầu Nàng Hai (tỉnh Đồng Tháp), cầu Chợ Lách 2 (tỉnh Bến Tre)… trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng, tháo gỡ các nút thắt về vận tải đường thủy nội địa trong vùng. |