Cả trăm người thoát chết nhờ chủ động chạy lũ quét
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, ngày 27-6, mặc dù rãnh áp thấp gây mưa đã có dấu hiệu suy yếu nhưng mưa lũ vẫn phát triển ra diện rộng tại miền Bắc. Số liệu quan trắc cho biết, nhiều nơi đã có lượng mưa lớn như: Phú Hộ (Phú Thọ) 126mm, Thái Nguyên 72mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 98mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 186mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 115mm, Sơn Động (Bắc Giang) 114mm, Lục Ngạn (Bắc Giang) 86mm… Tại các tỉnh ở Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn còn có mưa to đến ngày 28-6.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ đêm 26 đến ngày 27-6 vẫn tiếp tục mưa không ngớt, do thời tiết xấu nên công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân mất tích rất khó khăn. Mưa lớn tầm tã trong đêm 26-6 đã làm thêm 25 hộ dân tộc H’Mông sống tại bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) bị đất, đá vùi lấp, sạt lở chỉ sau một đêm. Toàn bộ nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi hoặc chìm sâu trong đống bùn sình, may mắn là không có thiệt hại về người do bà con đã kịp sơ tán trước đó khi có dấu hiệu xảy ra lũ quét.
Tuy nhiên, tai nạn thương tâm do mưa lũ vẫn chưa dừng lại ở các địa phương miền núi. Khoảng 7 giờ sáng 27-6, mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã gây ra trận lũ quét tại khu vực Trại giam Đồng Vải (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) cuốn trôi Thiếu úy Nguyễn Đức Anh, sinh năm 1992, quê ở Hải Dương và sau đó bị mất tích. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm, đến trưa 27-6, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể Thiếu úy công an Nguyễn Đức Anh ở cách vị trí xảy ra tai nạn khoảng 1km.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo đến ngày 27-6, cơ bản các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Tây Bắc đã được khắc phục tạm thời để thông xe, chỉ còn lại một số huyết mạch vẫn chưa thể khắc phục xong do bị sạt lở quá nặng.
Ở một số nơi, do mưa lũ vẫn tiếp diễn nên việc sửa đường gặp nhiều khó khăn. Trưa 27-6, lãnh đạo UBND huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cho biết, tại xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ vừa xảy ra một vụ sạt trượt đất đá, đẩy 2 chiếc máy xúc đang làm nhiệm vụ khắc phục sạt lở tại Km 46 + 700 quốc lộ 12 xuống vực, làm 2 công nhân lái máy xúc bị thương nặng và 1 trong 2 chiếc máy xúc bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt để cứu hộ hai nạn nhân đưa đi cấp cứu.
Đến chiều 27-6, quốc lộ 12 sụt 8.000m³ tại taluy dương trục Lào Cai - Lai Châu và vẫn chưa thể thông xe. Cầu Hua Bum trên quốc lộ 4H bị đứt đầu cầu dài 35m và sụt taluy dương tại 8 vị trí gây tắc đường cũng vẫn chưa thể thông xe. Các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị sạt lở gây tắc đường, hiện cơ bản đã thông tuyến đảm bảo giao thông đi lại.
Thiệt hại nặng
Báo cáo cập nhật đến 18 giờ ngày 27-6 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tổng số người bị thiệt mạng do mưa lũ là 22 người (Hà Giang: 5 người do sạt lở đất đá vào nhà sập và lũ cuốn trôi; Lai Châu 16 người do sạt lở đất đá vào nhà sập và lũ cuốn trôi; Quảng Ninh 1 cán bộ công an do lũ cuốn trôi). Số người còn mất tích là 9 người do lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá (ở Lai Châu); 16 người bị thương (Lai Châu 15 người; Sơn La 1 người). Rất nhiều nhà ở, hoa màu, nông sản bị lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế tại 8 tỉnh ước tính khoảng 457,8 tỷ đồng.
Do cơ sở hạ tầng, nhà ở của bà con tại tỉnh Lai Châu bị mưa lũ phá nát, nhiều người lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất nên ngày 27-6, Bộ Xây dựng cho biết vừa có quyết định hỗ trợ 1.000 tấn xi măng cho tỉnh Lai Châu khắc phục hậu quả. Có mặt tại các địa điểm bị mưa lũ tàn phá, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc bộ lưu ý khi triển khai các dự án có liên quan công tác phòng chống thiên tai cần đưa ra các hướng dẫn để các địa phương lập bản đồ lũ ống, lũ quét, các điểm có nguy cơ sạt lở và các khu vực ngập lụt.
Để hỗ trợ người dân hoạn nạn, chiều 27-6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng đã trích từ quỹ cứu trợ số tiền là 245 triệu đồng để hỗ trợ cho 19 gia đình có người chết, 11 người bị thương ở 2 tỉnh Hà Giang và Lai Châu. Trong đó, hỗ trợ gia đình có người chết 10 triệu đồng/người và người bị thương là 5 triệu đồng/người. Số tiền được chuyển về quỹ cứu trợ của Ủy ban MTTQ các tỉnh Hà Giang và Lai Châu.
Bộ NN-PTNT cho biết, sáng 28-6, tại Hà Nội, sẽ trực tiếp tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ngoài ra, ngày 27-6, Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình thiên tai, thiệt hại và công tác triển khai khắc phục, cứu hộ cứu nạn tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.
Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Lai Châu và Hà Giang, tại cuộc họp chiều 27-6 ở Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phân công từ ngày 29 đến 30-6, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban cứu trợ Trung ương sẽ trực tiếp đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ, lụt, động viên, chia sẻ với đồng bào và trao cho 2 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, mỗi địa phương 1 tỷ đồng.
Liên quan công tác thi cử, trong 2 ngày 26 và 27-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng làm trưởng đoàn cũng đã lên kiểm tra tại một số điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại địa bàn tỉnh Hà Giang để động viên các thí sinh ở vùng tâm lũ.
Qua ghi nhận thực tế tại các điểm thi, Thứ trưởng Phạm Minh Hùng đánh giá, mặc dù mưa lũ nặng nề song công tác tổ chức thi vẫn đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh vì lũ, sạt đường không thể đến dự thi trung học phổ thông quốc gia. Tỉnh Hà Giang cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT, báo cáo kiến nghị về giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh.
Sau Tây Bắc là Tây Nguyên, Trung bộ được cảnh báo có mưa, lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, ngày 27-6 ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã có mưa to, có nơi mưa rất to như Kiến Giang (Quảng Bình) 31mm, Tà Lương (Thừa Thiên - Huế) 30mm, Bình Đông (Quảng Ngãi) 50mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 56mm, Ea Sol (Đắk Lắk) 41mm… Vì vậy, cơ quan khí tượng đã ra bản tin cảnh báo người dân về việc đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp ở Trung bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và vùng núi các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa.