Trong sáng ngày 16-11, tại vị trí Km66+50, Km64+400 và Km63+350 thuộc đèo Violak (đèo Violak là tuyến giao thông nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum) đang bị sạt lở ô tô không qua được. Còn tại vị trí Km77 có hiện tượng đường bị nứt, sụt lún do mưa lớn những ngày qua.
Hiện tại lực lượng Công an xã Ba Tiêu (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đang phối hợp chốt chặn, phân luồng, đồng thời, huy động phương tiện giải phóng lượng đất đá sạt lở ra đường và không cho các loại ô tô qua lại.
Tuyến đường đèo Violak bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn, Công an xã Ba Tiêu |
Hiện trên địa bàn huyện Sơn Hà, mưa đã giảm hẳn, một số khu vực chỉ còn mưa phùn, trời đã có những ánh nắng nhẹ đầu tiên. Tuy nhiên, do nước ở thượng nguồn đổ về nên mực nước ở các suối vẫn còn cao. Các Cầu Thạch Nham, cầu sơn Kỳ, cầu Sơn Giang - Sơn Linh, cầu Tầm linh - Sơn Linh và một số cầu nhỏ tuyến ĐH72 Sơn Nham đi Sơn linh, ĐH76 Sơn Nham... vẫn còn ngập sâu trong biển nước. Giao thông tại các khu vực chưa thể thông suốt.
Tại xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà), mưa lớn trong những ngày qua đã gây sạt lở hơn 50m bờ taluy đường liên thôn Mang Nà - Nước Bao. Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, lập rào chắn không cho người dân qua lại khu vực này.
Bờ taluy đường Mang Nà - Nước Bao (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) sạt lở nghiêm trọng |
Chính quyền xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) đã lập rào chắn không để người, phương tiện qua lại |
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi, mưa lớn gây sạt lở nhiều vị trí tại Quốc lộ 24, 24B, 24C bị sạt lở, lượng đất, đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước dọc, khối lượng ước khoảng 1.537m3 và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhiều vị trí bị ngập nước, cây bị ngã đổ.
Các tuyến giao thông tỉnh quản lý bị sạt lở, nhiều vị trí sạt lở taluy dương, đất, đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước dọc, khối lượng ước khoảng 5.877m3 trong đó có 3 vị trí gây tắc đường tại Km32+100, tuyến ĐT623; Km7+650, Km8+800, tuyến ĐT626 (hiện đã thông xe 1 vệt) và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhiều vị trí bị ngập nước, cây bị ngã đổ.
Người dân qua lại các điểm sạt lở rất khó khăn |
Tuyến đường lầy lội đang được ngành GTVT khắc phục |
Các tuyến đường huyện bị sạt lở như tuyến ĐT628 (Thanh An-Long Môn, huyện Minh Long) bị sạt lở tại điểm đèo Long Môn; 18 tuyến giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây bị sạt lở; các tuyến giao thông tại các xã Sơn Trung, Sơn Bao, thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) bị sạt lở cục bộ, ách tắt giao thông; huyện Ba Tơ có 4 tuyến đường bị sạt lở; huyện Trà Bồng có 2 vị trí bị sạt lở.
Cầu Sông Giăng, ĐT628, đoạn qua xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi |
Tuyến ĐT626 từ thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) đi qua xã Hương Trà (huyện Trà Bồng) có 7 điểm sạt lở, trong đó, điểm sạt lở tại tổ dân phố Nước Nia (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) nặng nhất với khối lượng đất đá khoảng 1.500m3 từ trên đồi núi cao tràn xuống lòng đường gây chia cắt, phương tiện không thể lưu thông.
Anh Hồ Văn Đậu (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng) cho biết, đi qua tuyến đường ĐT626 có nhiều điểm sạt lở nên rất sợ.
Ngành GTVT khắc phục điểm sạt lở để phương tiện lưu thông, ổn định cuộc sống |
Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh có 70 vị trí sạt lở ta luy, đất đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước trên các tuyến QL24, QL24B, QL24C và các tuyến tỉnh lộ với khối lượng hơn 7.000m3.
Ông Mai Văn Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, ngành giao thông tỉnh đã tổ chức thông tuyến 3 vị trí sạt lở trên các tuyến ĐT626 và ĐT623, đồng thời khơi thông bùn đất vùi lấp các rãnh kênh thoát nước, thu dọn đất đá trên đường. Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ứng trực 24/24 tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí phương tiện để khi xảy ra sạt lở sẽ tổ chức thu dọn bùn đất, thông tuyến để người dân lưu thông được an toàn.