Ngày 31-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Lưu Quang lưu ý, công tác cứu nạn cứu hộ phải được tiến hành khẩn trương, tích cực nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ. Tỉnh Lâm Đồng phải tập trung rà soát tất cả những điểm có nguy cơ sạt lở khác để có ngay phương án xử lý, nhất là di dời các hộ dân, tuyệt đối không để có bất cứ thiệt hại nào về người.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành dự báo trong 3 ngày tới, khu vực đèo Bảo Lộc tiếp tục có mưa với lưu lượng khoảng 150mm cùng với khối lượng đất đá sạt lở lớn nên công tác cứu nạn cứu hộ sẽ còn nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh Lâm Đồng khảo sát toàn diện các điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và cương quyết di dời các hộ dân, công sở, trường học ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cảnh báo nhiều khu vực sạt lở
Đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết, trên địa bàn tỉnh còn 163 điểm có nguy cơ sạt lở, nhất là các tuyến đường đèo, gây trở ngại cho việc lưu thông. Trong bối cảnh giao thông đang bị chia cắt, tỉnh mong Bộ GTVT quan tâm việc bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường do bộ quản lý.
Đại tá Phạm Quang Huy, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thông tin, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, cục đã phối hợp với các địa phương, nhất là tỉnh Lâm Đồng, lên phương án phân luồng điều tiết giao thông, tránh tình trạng tập trung quá nhiều phương tiện vào một hướng. Hiện tại, các phương tiện lưu thông từ Đà Lạt, Lâm Đồng đi các tỉnh, thành phía Nam có thể di chuyển qua QL27 (đi Ninh Thuận), QL28, 28B (đi Bình Thuận), tỉnh lộ 721 và 725 (qua huyện Bảo Lâm và huyện Đạ Tẻh để ra QL20, đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).
Ghi nhận tại tuyến QL20 (đoạn từ TP Đà Lạt đi TP Bảo Lộc) hôm qua, lượng phương tiện lưu thông hướng về TP Bảo Lộc tương đối ít nhờ nắm thông tin từ sớm. Các phương tiện đã được phân luồng đi các hướng khác nhau, riêng một số loại xe tải cỡ lớn hiện không thay đổi lịch trình mà chờ khắc phục hậu quả ở 2 đầu đèo.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Phạm Nguyên An, Giám đốc Cảng hàng không Liên Khương, cho biết, mỗi ngày sân bay Liên Khương tiếp nhận 10-12 chuyến bay, việc vận hành diễn ra bình thường. Trong trường hợp các hãng hàng không tăng công suất chuyến bay, nhất là từ TPHCM lên Đà Lạt, cảng vẫn đáp ứng được các điều kiện tiếp nhận.
Rà lại hồ sơ giao đất qua các thời kỳ
Trước đó, khoảng 14 giờ 30 ngày 30-7 trên QL20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai), một vụ sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn Trạm Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và 1 người dân tử vong. Đến trưa 31-7, thi thể nạn nhân thứ 4 đã được tìm thấy.
Khu vực bị sạt lở là vườn sầu riêng trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Theo quan sát, cụm công trình trạm Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng đã bị đất, đá sạt lở làm hư hỏng hoàn toàn; phía sau trạm, khu vực đồi bị sạt lở là vườn sầu riêng rộng khoảng 1.500m2, trồng được 3-4 năm, có độ dốc cao. Tiếp giáp phía trên là khu rừng nguyên sinh chưa bị tác động. Nhiều ý kiến cho rằng mảng xanh của rừng bị phá, sau đó cày xới, trồng cây đã làm lớp đất tại đây kém liên kết, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở khi gặp mưa lớn.
Qua kiểm tra trên ứng dụng Google Earth, vào thời điểm đầu năm 2019, khu vực phía sau lưng Trạm Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn là mảng xanh, mật độ thưa. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh đến tháng 1-2021, nơi đây đã bị tác động, san gạt từ trên sườn đồi qua phía đối diện. Đến nay thì đã hình thành vườn trồng cây sầu riêng 3-4 năm tuổi với mật độ tương đối dày.
Để tìm hiểu thông tin về nguồn gốc đất cũng như người sử dụng đất trên đó, PV Báo SGGP đã liên hệ lãnh đạo Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng nhưng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, ông Lê Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), thông tin, địa phương đang giao Phòng TN-MT và Văn phòng UBND huyện rà soát hồ sơ giao đất qua các thời kỳ để xác định cụ thể loại đất, chủ sử dụng, sau đó sẽ có thông tin chính thức đến báo chí.
Nhiều nơi mưa to, gây hậu quả lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 1 và 2-8, vùng núi và trung du Bắc bộ tiếp tục mưa vừa, mưa to đến mưa rất to (có nơi trên 200mm). Ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo, từ đêm 2-8 đến ngày 3-8, vùng núi và trung du Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to.
Trong ngày 31-7, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ gây ngập lụt cục bộ nhiều đường phố và khu dân cư. Cùng ngày, mưa lớn kèm dông lốc tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, nhà cửa của người dân. Tại Long An, mưa lớn và dông lốc đã làm hư hỏng 49 căn nhà (2 nhà bị sập, 47 nhà bị tốc mái); sét đánh làm 2 người bị thương. Tại Sóc Trăng, 7 ngày qua (từ 25-7 đến 31-7), mưa lớn kèm dông lốc đã làm 75 căn nhà người dân hư hại, 3 người bị thương. Tính đến ngày 31-7, Đắk Lắk có hơn 100 ngôi nhà của các hộ dân bị ngập, 2.540ha cây trồng bị ngập và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng...