Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân

Trên biển Đông và khu vực Thái Bình Dương hiện đang tồn tại tới 4 hình thái áp thấp nhiệt đới cùng 1 cơn bão, báo hiệu thời tiết năm nay sẽ rất khốc liệt. Tại các vùng mà mưa lũ vừa càn quét, chính quyền cùng người dân đang dốc sức khắc phục hậu quả, khẩn trương phục hồi sản xuất và ổn định lại đời sống… 

 

Bộ đội cùng người dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) chung sức đắp đê bao ngăn nước lũ sông Tích tràn vào khu dân cư ngày 22-7
Bộ đội cùng người dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) chung sức đắp đê bao ngăn nước lũ sông Tích tràn vào khu dân cư ngày 22-7
Thiệt hại nặng nề, nhiều nơi còn ngập lụt

Ngày 22-7, vùng áp thấp nhiệt đới hình thành ở Bắc biển Đông đã di chuyển thoát hẳn ra khỏi biển Đông. Tuy nhiên theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thì vùng áp thấp nhiệt đới gần bờ (là tàn dư của cơn bão số 3 - Sơn Tinh) có hướng di chuyển rất nguy hiểm, liên tục đổi hướng khi phát triển từ đất liền Bắc bộ ra vịnh Bắc bộ.

Vào hồi 16 giờ chiều 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,2 độ vĩ Bắc - 108,3 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển sang Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm, hướng về khu vực phía Tây bán đảo Lôi Châu - Trung Quốc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đổi hướng, di chuyển theo hướng Bắc, sau đó đổi hướng sang Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc bộ do Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đưa ra cho thấy, áp thấp nhiệt đới này được hình thành từ tàn dư của bão số 3 trên đất liền Bắc bộ, sau đó di chuyển ra vịnh Bắc bộ theo hướng Đông Nam, rồi vòng ngược lên phía Bắc và có thể lại quay vào đất liền. Chiều 22-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã phát bản tin cảnh báo tình trạng lũ ở Thanh Hóa, Nghệ An đang lên; từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế còn có mưa to, trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên vùng thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-2m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh trên, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Tính đến ngày 22-7 có 217 ngôi nhà bị sập, 9.591 ngôi nhà bị ngập, 5.549 nhà bị hư hỏng hoặc phải di dời khẩn cấp tại nhiều tỉnh như: Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Mưa lũ cũng cuốn trôi 1.313 con gia súc và 27.649 con gia cầm, ảnh hưởng 5.415ha nuôi trồng thủy sản tại các địa phương có mưa lũ. 
Kéo dài liên tục 2-3 ngày, mưa lũ đã tàn phá và làm ngập nhiều tuyến đường giao thông lớn, nhỏ ở Bắc bộ nhưng đến ngày 22-7, cơ bản các địa điểm sạt lở lớn, bị ngập nặng đã được sửa chữa, thông xe trở lại. Mặc dù từ ngày 22-7, thời tiết ở đồng bằng Bắc bộ đã tốt trở lại, có nắng ráo, trời không còn mưa nhưng ở ngoại thành Hà Nội và khắp các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đồng ruộng vẫn chìm trong nước. Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và các địa phương, do mưa kéo dài kết hợp xả lũ từ hồ thủy điện Hòa Bình, nước sông Hồng lên cao nên 59.038ha lúa cùng 2.003ha bắp và hoa màu tại Hà Nội; các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… vẫn chìm trong nước lũ. Trong đó, ngập nhiều nhất là 3 tỉnh Thái Bình, Hải Dương và Nam Định. Tại khu vực Bắc Trung bộ cũng có 50.809ha lúa bị ngập, nặng nhất là tại Thanh Hóa: 13.632,8ha và Nghệ An: 30.237ha; 13.400ha bắp và hoa màu ngâm trong nước. Từ ngày 20 đến 22-7, do nước sông Tích, sông Bùi lên cao vì hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ kết hợp mưa to nên 270 hộ dân ở huyện Quốc Oai và 291 hộ dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị ngập, phải ngắt hệ thống điện, di dời tài sản, sơ tán đàn gia súc, gia cầm tới nơi an toàn. Dự tính khoảng 3-5 ngày nữa bà con mới có thể trở về nhà khi nước rút. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 3.062 máy bơm (tăng 786 máy so với trước đó) và huy động 35 cống tiêu để tiêu thoát lũ úng và nước đệm nhằm cứu lúa và hoa màu. Tuy nhiên, đến chiều 22-7, ngay tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều nơi chìm trong nước lũ. Tại các tỉnh ven biển Bắc bộ như: Thái Bình, Nam Định… do vẫn trong kỳ triều kém, khả năng tiêu nước tự chảy của các cống vùng triều chưa được cải thiện nên diện tích ngập úng tại vùng ảnh hưởng triều chưa giảm đáng kể; các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Huy động lực lượng ứng cứu
Tại tâm lũ Yên Bái, ngày 22-7, nước lũ sông Hồng đã rút, TP Yên Bái phải huy động trên 3.000 người dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Trong đó, lực lượng công an, bộ đội và cán bộ, công chức, các ban ngành đoàn thể của thành phố là 700 người, còn lại là lực lượng tại chỗ của các địa phương, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Một số nơi còn úng ngập như tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái đã huy động 3 xe cứu hỏa, 2 máy bơm công suất lớn, 2 máy xúc lật, 4 ô tô, 70 máy xúc bùn để tăng cường các địa phương còn ngập nặng. Sáng 22-7, Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cũng triệu tập cuộc họp khẩn, thành lập 5 tổ công tác để triển khai phương án phục hồi sản xuất, tái thiết sau mưa lũ.  Do nước lũ trên sông Hoàng Long ở tỉnh Ninh Bình dâng cao do lũ từ tỉnh Hòa Bình dội xuống, trong ngày 22-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã xuống kiểm tra tình hình mưa lũ trên sông Hoàng Long chảy qua địa bàn các huyện Gia Viễn, Nho Quan (Ninh Bình), nơi đang có 3.000 ngôi nhà dân bị ngập. Nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân sau đợt mưa lũ, tỉnh Ninh Bình đề nghị trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng để xử lý các công trình thủy lợi bị hư hại; hỗ trợ 150 tấn giống gieo cấy lại, 10.000m² bạt chống sóng, 10.000m² vải lọc, 5.000 áo phao, 1 xuồng máy... Sáng 22-7, tại huyện Văn Chấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi và trao 1 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ Trung ương giúp tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả mưa lũ. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng trao cho tỉnh Yên Bái 3 tấn lương khô, 50 bộ nhà bạt dã chiến, 5 máy phát điện, 5 máy phát điện kèm máy bơm hút công suất lớn để Yên Bái sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, hiện nay ở huyện Văn Chấn (nơi có nhiều người thiệt mạng và mất tích) vẫn có nhiều xã đang bị cô lập. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã thành lập 3 tổ công tác huy động lực lượng cứu hộ cùng lực lượng công binh của Sư đoàn 316 bằng mọi cách đưa mì tôm, lương thực, nước uống… ứng cứu đồng bào tại các thôn bản còn bị cô lập, không để ai bị đói khát. UBND tỉnh Yên Bái đã xuất 6 tấn gạo hỗ trợ các gia đình gặp nạn do mưa lũ; hỗ trợ 54 hộ tại 9 xã với số lượng gần 4 tấn gạo cho 266 nhân khẩu; vận chuyển 3 tấn gạo và 200 thùng mì tôm lên hai xã Nậm Mười, Sùng Đô thuộc huyện Văn Chấn.
Tối 22-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại do mưa lũ tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Theo đó, có tổng số 30 người chết và mất tích - giảm 2 người tại Yên Bái do đã về nhà an toàn. Trong đó, có 19 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 2 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 2 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 2 người) và 11 người bị mất tích: (Yên Bái: 6 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người).
Về giao thông, cơ bản các tuyến bị sạt lở, sụt lún, ách tắc đã được khắc phục và thông xe, nhưng đến ngày 22-7 vẫn còn một số điểm ách tắc tại quốc lộ 32, quốc lộ 70B (Phú Thọ), quốc lộ 43, quốc lội 32B, quốc lộ 6C (Sơn La).        
VĂN PHÚC 

Tin cùng chuyên mục