Cùng ngày, các lực lượng xung kích gồm quân đội, biên phòng, công an và công nhân vệ sinh môi trường đô thị Huế nỗ lực khắc phục các tuyến đường bị sạt lở do mưa lũ, đồng thời hành quân về các bản làng giúp đỡ người dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị hư hỏng.
Ngày 14-10, nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn ngập nước. Tại 2 huyện Tây Giang và Thăng Bình, 85 hộ dân với 307 người sống trong vùng nguy cơ sạt lở đang được chính quyền địa phương hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Mưa lũ lớn ở Quảng Nam trong những ngày qua gây thiệt hại 487ha lúa, 1.224ha rau màu, 30ha cây trồng lâu năm, 21ha cây trồng hằng năm; hơn 9.300 con gia súc, gia cầm bị chết; 3.500m bờ biển bị sạt lở; 68 điểm trên đất liền bị sạt lở...
Tại các huyện miền núi như Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai khẩn trương các biện pháp khắc phục hậu quả. Một số tuyến đường ở xã Trà Vân (Nam Trà My) bị chia cắt kéo theo nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm; học sinh trên địa bàn phải nghỉ học dài ngày… Chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, mở đường tạm cho xe máy và người đi bộ lưu thông…
lNgày 14-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ LĐTB-XH; Bộ Y tế; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Cục Thú y đề nghị cứu trợ khẩn cấp lương thực, thuốc, hóa chất lọc nước, dung dịch khử trùng phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn theo kiến nghị của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Theo đó, các địa phương này đang cần khoảng 5,5 tấn lương khô, 6.500 tấn gạo, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất PAC, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao cứu hộ, 3 xe lội nước GAZ.