Qua quá trình khảo sát của Viện Địa chất và khoáng sản phối hợp BQL Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tiến hành 8 đợt khảo sát tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn. Theo đó, số lộ trình khảo sát địa chất 160 hành trình, 1.130 điểm, dọn sạch vết lộ 270m3, lấy 189 mẫu lát mỏng, 100 mẫu địa hóa, 69 mẫu giã đãi, 15 nhật ký, có 173 di sản địa chất-địa mạo.
Ông Nguyễn Minh Trí-Giám đốc Sở VH-TT-DL thông tin, kế hoạch hành động từ tháng 4-2019, BQL Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh cần thành lập, kiện toàn BQL để quản lý đội ngũ cán bộ, đủ thẩm quyền để đưa ra toàn bộ các quyết định liên quan đến cơ sở văn hóa, cơ sở hạ tầng trong phạm vi công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh, xây dựng phù hợp, đồng bộ theo mẫu.
BQL Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh kiến nghị UBND tỉnh thành lập BQL chuyên trách ít nhất là 7 cán bộ, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng đủ năng lực về lĩnh vực địa chất-địa mạo, văn hóa, phát triển cộng đồng, truyền thông đối ngoại... đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển công viên.
Thực hiện ký kết các dự án thành phần với Viện Địa chất và khoáng sản về điều tra bổ sung các di sản, tiến hành các chiến dịch truyền thống, hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, khoanh vùng bảo tồn di sản, lập kế hoạch quản lý và dịch toàn bộ hồ sơ sang tiếng Anh.
Đối với 87 điểm nằm trong 4 tuyến tham quan du lịch Quảng Ngãi-Dung Quất, Quảng Ngãi-Sa Huỳnh, Quảng Ngãi-Trà Bồng và đảo Lý Sơn, cần triển khai các cơ sở vật chất gồm trung tâm thông tin, nhà trưng bày, bảng thuyết minh, bãi đỗ xe, tài liệu truyền thông.
Ông Đặng Ngọc Dũng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá cao nỗ lực của BQL Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh, kết quả hợp tác giữa các đơn vị rất tốt, nhiệm vụ cụ thể năm 2019. “Công tác hoàn thiện hồ sơ rất gấp rút, do vậy yêu cầu thời gian xây dựng phải xong tháng 11-2019, tiếp đó, đoàn UNESCO qua thực địa, kiểm tra vào tháng 4-2020 và đến tháng 9-2020 thì UNESCO thẩm định hồ sơ này, nhiệm vụ ưu tiên, xây dựng hồ sơ theo tiêu chí UNESCO”- ông Dũng cho biết.