Trước tình trạng thiếu thông tin về quy hoạch tạo ra những tin đồn thất thiệt và cơn sốt đất như thời gian qua, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đến tháng 12-2017 phải hoàn thành phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch, để công khai vấn đề sử dụng đất cho nhân dân biết.
TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước phát triển ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS vào lĩnh vực quy hoạch đô thị. Năm 1997, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã hỗ trợ kinh nghiệm và công nghệ cho công tác thông tin quy hoạch thông qua dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch quản lý đô thị và ứng dụng GIS vào công tác quản lý công tác quy hoạch”. TPHCM đã xuất bản và công bố rộng rãi bộ bản đồ quy hoạch chung TP và quận, huyện. Từ năm 2002, Sở QH-KT đã áp dụng GIS vào hệ thống thông tin quy hoạch đô thị nên các đồ án quy hoạch trên địa bàn TP đã cơ bản được cập nhật, hình thành cơ sở dữ liệu toàn TP trên nền bản đồ địa hình.
Thế nhưng, hơn chục năm qua, việc ứng dụng GIS vẫn chưa được các cơ quan phát triển rộng rãi để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin quy hoạch cũng như các giao dịch về nhà đất của người dân. Từ vị trí là địa phương đầu tiên ứng dụng GIS, TPHCM đang có dấu hiệu thụt lùi khi một số tỉnh, thành đã ứng dụng GIS tạo ra phần mềm tra cứu quy hoạch trên máy tính, điện thoại để người dân sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai đã đưa vào sử dụng phần mềm miễn phí cho phép người dân tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất bằng điện thoại vào năm 2016. Các cơ quan quản lý dựa vào phần mềm này có thể nắm được thông tin đăng ký biến động như chuyển nhượng, tách thửa. Người dân thì ngồi nhà vẫn biết được thông tin về bản đồ chung, quy hoạch, mục đích sử dụng, pháp lý từng thửa đất… Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang thí điểm sử dụng phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch.
Vì chưa có đầu mối chung như Đồng Nai nên một số quận của TPHCM phải tự xây dựng phần mềm. Chẳng hạn, đầu năm 2017, quận Thủ Đức đã triển khai ứng dụng phần mềm để cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân một số phường, đồng thời người dân cũng có thể thực hiện thủ tục hành chính thông qua phần mềm này. Việc mỗi địa phương tự xây dựng phần mềm riêng, theo Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì “vừa mừng vừa lo”, bởi lẽ khi TPHCM có một phần mềm chung, các phần mềm của riêng sẽ khó, thậm chí là không thể tích hợp. Tuy nhiên, nhu cầu bức thiết của người dân, cũng như của chính những người làm công tác quản lý với khối lượng công việc đồ sộ, thì việc sử dụng phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch được thực hiện sớm ngày nào sẽ giúp “nhẹ gánh” được ngày đó. Do vậy, người dân và cả UBND các quận, huyện cũng mong Sở QH-KT sẽ sớm hoàn thành, đưa phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch vào đời sống. Trong bối cảnh đang hướng tới xây dựng TP thông minh thì điều này càng có ý nghĩa hơn.