Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa chủ trì buổi làm việc với đại diện Công ty Bảo hiểm PJICO, các ngân hàng cùng các sở ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 (NĐ67) không mua được bảo hiểm, bị ngân hàng “nhốt”, phải nằm bờ nhiều tháng nay mà Báo SGGP đã phản ánh.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, từ tháng 8-2019, có nhiều chủ tàu NĐ67 phản ánh PJICO chậm bán bảo hiểm tàu gây ảnh hưởng đến việc đánh bắt và trả nợ của các chủ tàu. Đến nay đã có 29 chủ tàu NĐ67 hết hạn bảo hiểm nhưng không mua lại được bảo hiểm mới, bị ngân hàng “nhốt” ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định); có 12 chủ tàu đã gửi hồ sơ và các thủ tục đầy đủ lên PJICO nhưng vẫn chưa được phúc đáp...
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank đều than rằng, không thu được lãi từ phía các chủ tàu, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền can thiệp giúp ngân hàng đòi nợ. Các ngân hàng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung NĐ67 để bảo đảm thu hồi nợ, vốn vay; đề nghị PJICO phải có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, bán bảo hiểm, giúp ngư dân ra khơi đánh bắt để có tiền trả nợ.
Ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc PJICO, lại khẳng định, không có chuyện đơn vị này chỉ đạo việc dừng bán bảo hiểm cho các tàu đóng theo NĐ67. Trong thời gian 4 năm hưởng ứng tham gia NĐ67, 4 doanh nghiệp bảo hiểm (trong đó có PJICO) đã tổn thất rất lớn. Số vụ đắm tàu, tổn thất có xu hướng tăng theo thời gian, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Hải đề nghị 12 chủ tàu đang hồ sơ mua bảo hiểm mới, cung cấp hồ sơ đảm bảo tàu bố trí thuyền viên có đầy đủ văn bằng, chức danh, định biên an toàn, trang bị thiết bị vận hành các thiết bị giám sát hành trình theo quy định mới, PJICO sẽ xem xét, đánh giá lại giá trị thực tế để sớm bán bảo hiểm lại nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện bảo hiểm. Ngoài ra, đơn vị sẽ có chế tài để ràng buộc các chủ tàu phải nâng cao ý thức bảo quản tài sản của mình.