Đối với dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1, (còn gọi là công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng) cần hoàn tất các thủ tục để sớm đưa vào vận hành để giải quyết các tuyến đường ngập ở khu vực trung tâm.
Trước mắt, các quận, huyện tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu; tăng cường công tác xử lý, chế tài những trường hợp xả thải chưa qua xử lý làm tắc nghẽn tuyến cống. Về lâu dài, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị UBND TPHCM xem xét và phân cấp quản lý hệ thống kênh, rạch trên cơ sở đảm bảo đồng bộ từ cửa thu đến sông, kênh, rạch.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động "Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Song song đó, các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện và có chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước; tăng cường ứng dụng phần mềm FEDS theo dõi, cập nhật và có giải pháp giải quyết ngập tại các tuyến đường nhánh, hẻm.
Sở Xây dựng TPHCM cũng yêu cầu chủ đầu tư của các dự án xóa, giảm ngập thuộc kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021-2025 đẩy nhanh tiến độ thực hiện; khẩn trương bàn giao hệ thống thoát nước đã đưa vào vận hành, khai thác (gói thầu K thuộc dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 1); đảm bảo dẫn dòng, hạn chế ngập do ảnh hưởng thi công (dự án Cải tạo rạch bà Tiếng, dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên) và các dự án phát triển giao thông trên địa bàn TPHCM.