Công văn do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ký, cho biết, ngày 12-6-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 vừa qua.
Để nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn tại các tổng công ty trực thuộc: tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội… của các doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó là theo dõi, bám sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
"Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự", công văn nêu.
Công văn cũng yêu cầu thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình từ cơ sở và báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, tình hình tiền lương năm 2022 của các doanh nghiệp thuộc ngành, địa phương.
Tổng LĐLĐ cũng đề nghị các đơn vị tập hợp, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng như pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động, góp phần đảm bảo việc làm bền vững, an sinh của người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.