Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, toàn bộ các chương trình trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 9 đến 15-11. Chủ đề xuyên suốt lễ hội là “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”.
Trong đó, phần lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL năm 2024 bao gồm các nội dung: chương trình khai mạc (ngày 13-11); giải đua ghe ngo (diễn ra 2 ngày, 14 và 15-11); lễ cúng trăng (ngày 14-11); hội thi thả đèn nước và hoạt động trình diễn ghe Cà Hâu kết hợp bắn pháo hoa nghệ thuật…
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết, giải đua ghe ngo năm nay được tổ chức với quy mô khu vực ĐBSCL, do đó tỉnh Sóc Trăng sẽ mời 7 tỉnh, thành trong vùng tham gia thi đấu. Dự kiến sẽ có từ 55-60 đội ghe nam và nữ tham gia tranh tài. Hoạt động đua ghe ngo là sự kiện được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước quan tâm theo dõi, với số lượng tham dự lên đến hơn 100.000 người. Do đó, mọi công tác tổ chức từ trước, trong và sau giải đấu đều được chuẩn bị từ rất sớm, đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể.
Bên cạnh lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo, tỉnh Sóc Trăng còn lần đầu tiên tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Sóc Trăng, nhằm kích cầu, quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch của địa phương. Sự kiện gồm nhiều hoạt động như: hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024; hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam; liên hoan ẩm thực Mekong lần thứ I năm 2024; trình diễn nghệ thuật ánh sáng, giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng…
Ông Đặng Thành Sơn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, khác với mọi năm, hoạt động hội chợ năm nay sẽ không bán vé vào cổng, người dân, du khách có thể tự do ra vào hội chợ để tham quan, mua sắm. Ban tổ chức sẽ bố trí 350 gian hàng để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã… giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, sẽ có 100 gian hàng để tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh thành bạn trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức lễ hội, lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo đã trở thành “thương hiệu” của tỉnh Sóc Trăng. Người dân cả nước và du khách nước ngoài khi nhắc đến Sóc Trăng là nhắc đến lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo. Hàng năm, lễ hội thu hút trên 100.000 lượt du khách trực tiếp đến tham quan, vui chơi, giải trí, chưa kể lượng người theo dõi qua các nền tảng đa phương tiện khác. Do đó, đây là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, đặc trưng văn hóa cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sóc Trăng đến bạn bè trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo đồng bào Khmer.
Để chuẩn bị tốt cho ngày hội lớn nhất của đồng bào Khmer, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngoài Ban tổ chức lễ hội, UBND tỉnh Sóc Trăng còn thành lập 4 tiểu ban, gồm: Vận động tài trợ; Nội dung tuyên truyền; Hậu cần khánh tiết; An ninh trật tự. Các tiểu ban phục vụ lễ hội hiện đang khẩn trương triển khai những nhiệm vụ được giao, với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Tất cả nhằm mang đến cho người dân và du khách một mùa lễ hội vui tươi, ấm áp, thân thiện, gắn với hình ảnh Sóc Trăng là nơi đáng đến và đáng sống.