Báo cáo đoàn giám sát của HĐND TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết, từ danh sách được giao ban đầu 1.227 địa chỉ có biệt thự, trong quá trình kiểm kê, ghi nhận có 560 địa chỉ không còn biệt thự. Thực ra con số ban đầu có từ thống kê năm 1996, tuy nhiên từ đó đến năm 2013 thì không có ghi nhận, không theo dõi biến động, chứ không phải là từ năm 2013 đến nay bị biến mất 560 biệt thự. Ngoài việc người dân tự tháo dỡ, hoặc xuống cấp, còn có việc tự cơi nới thành nhiều căn, xây chen, cuối cùng biến biệt thự thành nhà phố…
Về công tác phân loại biệt thự, theo báo cáo của Sở QH-KT, Hội đồng phân loại biệt thự đã đánh giá phân loại được 82 trường hợp, đang trình UBND TP phê duyệt danh sách biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Tuy nhiên, hầu hết đại biểu tham dự buổi giám sát đều bày tỏ lo lắng cho việc chậm trễ trong việc phân loại biệt thự, dẫn đến di sản bị mai một, công tác bảo tồn không còn hiệu quả.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phạm Đức Hải yêu cầu Sở QH-KT phải tham mưu UBND TP phát triển đô thị đúng theo tinh thần Nghị định số 11/2013 của Chính phủ: xác định khu bảo tồn, lập kế hoạch, thành lập ban quản lý, kêu gọi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển… Sở cần mời các quận huyện tham gia công tác bảo tồn và công khai với người dân.
Đặc biệt, Sở QH-KT cần phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở VH-TT tạo điều kiện cho các di tích được tôn tạo nâng cấp một cách thuận lợi, tránh cơ chế xin cho. Ngoài ra, sở phải phối hợp với Sở VH-TT để 172 di tích được bảo tồn đúng thực chất, theo quy hoạch. “Sau khi tổng kết đánh giá 6 năm thực hiện, sở đề xuất UBND TP trình trong năm 2019 hoặc tháng 3 sang năm tới tại kỳ họp bất thường HĐND TP để ra nghị quyết về bảo tồn, gìn giữ cảnh quan. Khi có nghị quyết của HĐND TP thì công tác bảo tồn, trùng tu sẽ thực hiện bài bản”, đồng chí Phạm Đức Hải yêu cầu.
Sáng cùng ngày, đoàn đã giám sát tại Sở VH-TT cùng về nội dung bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.