Khan hiếm vật liệu thi công dự án: Do năng lực nhà thầu kém

Ngày 29-2, tại hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, nhiều đại biểu đề cập về khan hiếm nguồn cung để san lấp mặt bằng dự án.

Ngày 29-2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ngày 29-2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại hội nghị, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, địa phương vẫn đang thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu khoảng sản so với nhu cầu. Theo công thức tính toán, TP Đà Nẵng đang thiếu 1.443.000m3 đá xây dựng/năm; 422.9715m3 đất san lấp/năm.

Đà Nẵng có 10 mỏ đang hoạt động, trong đó 1 mỏ đất san lấp và 9 mỏ đá thông thường. Mỏ đang hoạt động là 200.000m3; khối lượng đá xây dựng là 851.500m3. Khai thác trong dự án đầu tư được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt có 4 giấy phép khai thác, trong đó có 3 dự án có khai thác đất với khối lượng 100.000m3 và 19.000m3 đá. Tổng cộng, hiện các đơn vị đáp ứng được 300.000m3 đất san lấp và 870.500m3 đá xây dựng thông thường.

Tuy nhiên, nhu cầu thực tế hiện nay, theo quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, khối lượng đất san lấp có nhu cầu là 40.297.000m3. Như vậy, trung bình năm là 4.029.000m3/năm. Đối với đá xây dựng thông thường theo quy hoạch cần 17.136.000m3, trung bình cần 1.713.000m3/năm...

cang2-2554.jpg
Dự án bến cảng Liên Chiểu đang được TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên nguồn vật liệu hiện là nỗi lo lớn nhất của dự án

“Chúng tôi hết sức cân nhắc việc phân cấp, ủy quyền bởi đây vấn đề không mang tính chất diện rộng trên địa bàn TP Đà Nẵng và đây là loại tài nguyên không thể phục hồi, cho nên quan điểm lãnh đạo địa phương, ban quản lý, nhà đầu tư cũng phải thông cảm vì không thể bằng mọi giá tận thu một cách triệt để bởi một khi tận thu thì không thể tái tạo lại”, ông Chương nhìn nhận.

Trả lời vấn đề này, theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, quan điểm ngành TN-MT cũng như địa phương là khai thác khoáng sản – loại vật liệu xây dựng không tái tạo được, vì vậy chỉ cho phép, tính toán khai thác trên cơ sở quy hoạch, cân đối được về nhu cầu thực tế. Địa phương đã có bài học kinh nghiệm vào năm 2013, khi cho phép tổ chức khai thác hàng loạt thì hậu quả để lại hiện trường nham nhở, tạo những lỗ hổng sâu đến nay địa phương không thể sử dụng, sản xuất được. Địa phương có 20 mỏ mà đã có 8-9 mỏ bỏ hoang do không khắc phục được, chủ yếu ở huyện Hòa Vang.

“Hơn nữa, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 cho phép được khai thác trong quy định nâng công suất không quá 50%. Bây giờ Sở TN-MT trình lên văn bản trong 7 doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp nâng ít nhất trên 100%, cao nhất là 400%. Nếu cho phép theo yêu cầu, 15 năm nữa, Hòa Vang không còn núi đồi. Tài nguyên khoáng sản Đà Nẵng rất ít so với các địa phương lân cận. Chúng ta đang tập trung về phát triển tín chỉ carbon, nếu như tiếp tục cho khai thác theo mong muốn của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì rõ ràng chúng ta không đạt được đô thị xanh cũng như phát triển bền vững”, ông Nam lưu ý.

img-9615-5571.jpg
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Kết luận vấn đề, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Ban cán sự Đảng đã có chỉ đạo rất cụ thể đến từng dự án, điển hình mỏ nào nâng công suất bao nhiêu tại thời điểm nào cho nên đề nghị Sở Xây dựng, Sở TN-MT nghiêm túc thực hiện kết luận của UBND TP Đà Nẵng.

“Bây giờ các đồng chí phải báo cáo kết quả triển khai này chứ không nói về đề xuất nữa. Nếu khó khăn thì báo cáo lại gấp. Sáng nay, có bài viết đề cập cảng Liên Chiểu có khả năng thiếu đá, nhưng đừng đổ lỗi, bởi khi đơn vị dự thầu thì đã chuẩn bị kế hoạch cũng như chi tiết về nguồn lực để tham gia. Đây là do năng lực nhà thầu kém”, ông Chinh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục