Sự kiện bộ phim Quỳnh búp bê phải tạm dừng phát sóng sau khi đã chiếu được 6 tập trên giờ vàng của VTV1 được xem là khá hy hữu.
Điều đáng nói ở chỗ, việc dừng phát sóng này có tác động rất lớn từ chính những phản hồi của khán giả. Trong khi một bộ phận khán giả cho rằng phim đã có cái nhìn trực diện về đề tài gái mại dâm, buôn bán phụ nữ, một số đông khác bày tỏ ý kiến phim có nhiều cảnh bạo lực, tình dục không phù hợp để lên sóng vào khung giờ vàng - vốn dành cho cả gia đình thưởng thức. Dù là bộ phim đầu tiên của truyền hình Việt được gắn mác 18+ (cấm khán giả dưới 18 tuổi) nhưng điều đó cũng không thể giúp phim tránh khỏi việc phải dừng phát sóng. Nhà đài, ê kíp sản xuất phải chịu nhiều thiệt hại là điều chắc chắn. Hiện cũng chưa biết bộ phim sẽ được phát sóng trở lại khi nào, vào khung giờ nào và có phải chỉnh sửa nhiều hay không?
Từ trường hợp của Quỳnh búp bê mới thấy sức mạnh và quyền lực của khán giả trong thời đại cách mạng số hiện nay. Không còn là đối tượng thụ động tiếp nhận các sản phẩm được phát trên sóng truyền hình, khán giả ngày càng có vai trò và ảnh hưởng sâu rộng đến đội ngũ những người làm nghề. Mới đây nhất, một số bộ phim: Zippo, mù tạt và em, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng... đến giờ chót phải quyết định quay lại phần kết theo góp ý, mong muốn của khán giả. Đây là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam nhưng lại là xu hướng đang rất thịnh hành trên thế giới. Nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, hình thức quay phim cuốn chiếu, nội dung các tập liên tục có những thay đổi, bổ sung theo góp ý của khán giả vốn không còn xa lạ. Xu hướng này trong tương lai chắc chắn được nhiều đơn vị sản xuất áp dụng.
Một số liệu thống kê từ Kantar Media cho thấy, có đến 89% khán giả xem các chương trình truyền hình trên điện thoại. Khảo sát của Hootsuite cũng cho biết, thời gian sử dụng Internet bằng máy tính của số người được khảo sát là 6 giờ 53 phút, bằng điện thoại là 2 giờ 33 phút và thời gian xem tivi chỉ còn 1 giờ 26 phút. “Khán giả ở đâu, truyền hình ở đó” cũng là khẳng định của bà Đặng Diễm Quỳnh Trưởng ban VTV6 tại hội thảo “Phát triển nội dung truyền hình trong bối cảnh chuyển dịch số” nằm trong khuôn khổ Triển lãm phim và công nghệ truyền hình 2018 vừa diễn ra. Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh khốc liệt với các hình thức giải trí trực tuyến, sự phát triển của mạng xã hội buộc những người làm truyền hình phải thay đổi. Bỏ nhiều chương trình cũ, thêm các chương trình mới có tính tương tác cao là việc làm bắt buộc nếu không muốn bị khán giả bỏ qua. Và, nếu cứ giữ tư duy cũ, đi theo phương thức cũ, lúc đó chỉ còn thực tế tự mình làm tự mình thưởng thức và sẽ không còn khán giả.
Hiện nay, các chương trình truyền hình tương tác như: Bữa trưa vui vẻ, Cất cánh (cùng phát sóng trên VTV6) có thể xem là những điển hình và đã thu về nhiều thành công. Fanpage Bữa trưa vui vẻ hiện có 1,4 triệu lượt thích và tuy vừa ra mắt hồi tháng 3 Cất cánh hiện cũng có hơn 37.000 lượt theo dõi. Hầu hết các chương trình truyền hình: từ phim truyện, gameshow, truyền hình thực tế cho đến các chương trình chính luận, thời sự... trên các kênh sóng VTV, các đài truyền hình địa phương đa phần đều có fanpage để tương tác khán giả. Thực tế này khẳng định, các đơn vị sản xuất từ Nhà nước đến tư nhân đã rất ý thức được việc giao lưu, chịu khó lắng nghe góp ý của khán giả.
Người làm truyền hình chắc chắn có vị thế riêng của mình và không phải lúc nào cũng chạy theo thị hiếu khán giả mà vẫn phải giữ vững chân giá trị là tính định hướng về mặt thông tin. Thực tế rõ ràng là ngay cả khi các hình thức giải trí dù có đa dạng và phát triển đến đâu nhưng các sản phẩm truyền hình nếu có nội dung phù hợp, hấp dẫn vẫn luôn thu hút khán giả. Tuy nhiên, những người làm nghề giỏi sẽ không bỏ hoàn toàn cách làm truyền thống mà luôn tích cực cập nhật xu thế mới. Bài toán đặt ra hiện nay đối với những người làm truyền hình chính là tìm ra điểm chạm giữa truyền hình và thời số hóa, vừa có nội dung lôi cuốn vừa có cách thể hiện mới mẻ, hiện đại.