Có thể kết quả chưa làm hài lòng một bộ phận khán giả, nhưng không thể phủ nhận sự đăng quang của một nam thí sinh có ngoại hình sáng, giọng ca đẹp và đầy nội lực là một cái kết đẹp của một chương trình vốn là bệ phóng cho rất nhiều ca sĩ trẻ đình đám hiện nay.
Nhưng, kể từ khi đêm chung kết kết thúc, cũng là lúc một lực lượng đông đảo khán giả, là người hâm mộ của những thí sinh và huấn luyện viên có học trò đoạt á quân, lao vào chửi bới, lên án người đoạt giải cao nhất cũng như chương trình. Trong đó, chẳng thiếu những người ngoài cuộc, nghĩa là chẳng quan tâm mấy đến chương trình, chẳng biết mặt thí sinh, thậm chí chẳng nghe ai hát cũng đổ xô vào… chửi cho đã. Trên các trang YouTube dẫn lại phần trình diễn của thí sinh đoạt giải cao nhất là vô số những lời miệt thị ở phía dưới trong phần bình luận, từ chuyện ăn mặc, giọng hát, phong cách cho đến giới tính thí sinh cũng bị lôi ra chê bai nặng lời. Chửi chưa đã, nhiều lời bình luận chuyển qua “tố cáo” thí sinh mua giải và ban tổ chức bán giải. Người ngoài cuộc đọc đã khó chịu, nói chi người trong cuộc phải chịu đựng ra sao trước những lời bình luận quá khích, đầy chất miệt thị.
Chuyện khen - chê, người hâm mộ ca sĩ, nghệ sĩ này, chê bai ca sĩ khác là chuyện quá đỗi bình thường. Nhất là khi công nghệ thông tin phát triển, các kênh tương tác với khán giả ngày càng nhiều thì chuyện nghệ sĩ nghe chửi đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có nhạc sĩ cựu trào còn ví von: Nghệ sĩ không chịu nổi việc bị cộng đồng “ném đá đến vỡ đầu” trên mạng xã hội thì nên thôi theo nghề, vì đó chỉ là áp lực nhỏ xíu trong hành trình chinh phục showbiz.
Nói về chuyện văn minh của khán giả, không chỉ ầm ào trên mạng xã hội, khán giả ngày nay còn vô duyên đến lạ khi đi thưởng thức nghệ thuật. Có lần, khi đang xem một bộ phim Hàn Quốc được đánh giá cao về mặt nghệ thuật tại rạp chiếu phim, khi không khí đang lắng xuống, tôi giật cả mình khi một vị khán giả đứng bật dậy, nói to: “Phim coi không hiểu gì hết mà cũng chiếu ở rạp. Mất công tốn tiền mua vé vô coi của nợ”. Nói đoạn, vị khán giả trên kéo tay 2-3 người bạn đi cùng, lầm bầm bước ra. Giá như, vị khán giả đó chịu khó tìm hiểu xem bộ phim mình sắp coi là dạng phim gì, có phù hợp không trước khi bước vào rạp, chắc chắn sẽ không có hành động kém văn minh như vậy.
Còn ở sân khấu kịch nói, việc để chuông điện thoại lớn dù đã được nhắc nhở hay ăn uống, nói chuyện to trong khán phòng cũng không chỉ là việc thiểu số. Thật bất ngờ hơn, khi phần lớn những khán giả thiếu ý thức đó lại là người trẻ, rất vô tư và thách thức những quy định và lời nhắc nhở xung quanh. Ở rạp chiếu phim, tiếng chuông điện thoại, tiếng cười nói huyên náo… giờ xưa rồi, nhiều bạn trẻ vô rạp xem phim thì ít mà hôn hít thì nhiều, nhất là ở những hàng ghế đôi cuối rạp. Tiếng tỏ tình, hôn hít, sờ mó rồi cười nói cũng không là thiểu số. Nhân viên phụ trách rạp phim vô nhắc nhở, vừa bước ra tầm vài phút là đâu lại hoàn đó. Ở các triển lãm nghiêm túc thì sao? Nơi đây là môi trường thăng hoa của các nam thanh nữ tú, thậm chí của cả người không trẻ chụp hình check in khoe mẽ. Gì chứ, khoe mình đang ở một triển lãm mỹ thuật, nghe cũng “oách ra phết”, chứ chẳng đùa!
Kêu gọi ý thức người đi xem, thưởng thức nghệ thuật là điều cần thiết nhưng cần thiết hơn là động thái từ người tổ chức. Nếu phát hiện có những hành vi sai với quy định chung của nơi tổ chức, người tổ chức hoàn toàn có quyền mời những khán giả trên ra khỏi khu vực trình diễn, trưng bày. Hơn ai hết, phải để khán giả, công chúng hiểu được, thưởng thức nghệ thuật phải đồng nghĩa với văn minh và kiên quyết nói không với những hành vi phản cảm.