Trong khi đó, điện ảnh trong nước khá lép vế; việc phim có bao nhiêu diễn viên đang ăn khách, nghệ sĩ khách mời nổi tiếng lại được quan tâm hơn là nội dung kịch bản. Không ít khán giả tới rạp vì yêu thích diễn viên này, hâm mộ diễn viên kia… hơn là thưởng thức trọn vẹn nội dung phim. Những dự án phim điện ảnh về đề tài lịch sử lại càng lép vế hơn trong cuộc đua chiếm thị phần, bởi từ lâu đây là dòng phim rất kén người xem.
Lựa chọn đề tài lịch sử cho phim điện ảnh, có thể nói là một sự liều lĩnh của đạo diễn và nhà sản xuất. Phần lớn lượng khán giả tới rạp là giới trẻ, cặp đôi, với mục đích giải trí, nên dòng phim thị trường dễ hút khách hơn dòng phim thiên về nghệ thuật.
Nhiều phim lịch sử từ lúc còn là dự án đến khi ra rạp và cả những buổi chiếu miễn phí vẫn không có mấy khán giả quan tâm; trong khi truyền thông cũng không mấy để ý. Phim về lịch sử đã thiệt thòi về mặt thị hiếu khán giả, vì thế người xem cũng cần có cái nhìn công tâm. Không ít những diễn đàn bình luận phim hay phía dưới các trang tin điện tử, nhiều người để lại bình luận “bàn ra” dù phim chưa ra rạp. Thậm chí, có người còn thẳng tay gạt danh sách phim Việt ra khỏi sự lựa chọn, vì không mấy tin tưởng vào nội dung lẫn diễn viên.
Không ít ý kiến cho rằng, lịch sử cần thể hiện theo nhiều hình thức để mọi người dễ tiếp nhận, nhất là với giới trẻ. Nhiều bình luận như: “Trailer kỹ xảo tệ quá!”, “Có gì lạ đâu, không hấp dẫn”, “Chắc không xem, diễn viên lạ quá”… phía dưới một bộ phim điện ảnh đề tài lịch sử, chuẩn bị ra rạp vào cuối tháng 5, khiến người ta không khỏi chạnh lòng.
Điện ảnh trong nước chưa đủ tầm vóc để so sánh với điện ảnh nước ngoài là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khán giả cần có cái nhìn công tâm hơn. Chúng ta không thiếu những tác phẩm chất lượng, chỉ là số lượng những tác phẩm như vậy chưa nhiều. Nhiều năm trở lại đây, điện ảnh trong nước đã có những bước chuyển mình thấy rõ. Không ít tác phẩm chinh phục những giải thưởng quốc tế và doanh thu đạt mốc trăm tỷ.
Mọi thứ đều cần phải có thời gian để cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Một trong những yếu tố góp phần làm nên những tác phẩm nghệ thuật giá trị là khán giả. Bài toán kinh tế luôn là yếu tố hàng đầu đối với mỗi dự án phim ảnh, người ta có thể giảm bớt tính nghệ thuật để bộ phim đáp ứng được đông đảo thị hiếu giải trí của người xem, chứ không thể bất chấp cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật để rồi lỗ vốn hoặc doanh thu bằng 0, làm sao có thể duy trì những tác phẩm khác trong tương lai?
Với những tác phẩm đề tài lịch sử, cách mạng, lại cần thêm sự đón nhận nhiệt thành của khán giả, bởi đây là dòng phim đã chịu thiệt một bước trong việc chạy theo thị hiếu đương thời. Có ủng hộ từ khán giả thì những tác phẩm nghệ thuật thực thụ mới đủ sức cạnh tranh với những bộ phim nhạt nhẽo ăn khách nhờ hotboy, hotgirl hay tràn ngập những tiếng cười hời hợt, gượng gạo…